Thượng tá, Nghệ sĩ ưu tú Hương Giang: Càng khó khăn càng phải nỗ lực
Giải trí - Ngày đăng : 14:51, 07/05/2023
1. Xinh đẹp, tài năng, tâm huyết, NSƯT Hương Giang đã giành được cảm tình và sự đánh giá cao của giới nghề và công chúng. Nhạc sĩ Ngọc Khuê, người từng cộng tác với Hương Giang trong một số dự án âm nhạc gần đây, đánh giá: “Sở hữu chất giọng dân gian ngọt ngào, sâu lắng, đặc biệt là sự sáng tạo trong cách luyến láy khi thể hiện, Hương Giang đã khiến cho ca khúc của nhiều tác giả trở nên dễ gần, dễ cảm”.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Quỳnh Lưu (Nghệ An) nên ngay từ thuở ấu thơ, những lời ru của bà, câu hát dân ca, hò ví giặm của mẹ đã chắp cánh, nuôi dưỡng và thôi thúc niềm đam mê ca hát của Hương Giang. May mắn hơn, chú ruột của chị là nhạc sĩ An Thuyên đã luôn theo sát, dìu dắt chị từng bước trên con đường nghệ thuật. Chị tâm sự: “Đại gia đình tôi hầu như ai cũng đam mê ca hát. Ông bà nội tôi còn lập gánh hát từ rất sớm, chú An Thuyên khi ấy tuổi còn trẻ nhưng đã đảm nhận vị trí nhạc trưởng. Thấy tôi có năng khiếu ca hát, chú ra sức động viên, khuyến khích để tôi được ra Hà Nội học thanh nhạc”.
Bước khởi đầu suôn sẻ nhưng để đứng vững trên con đường nghệ thuật đầy gian truân, Hương Giang đã trải qua nhiều bước ngoặt, thử thách, đòi hỏi người nghệ sĩ - chiến sĩ phải không ngừng nỗ lực, cố gắng. Chị có 6 năm công tác tại Đoàn nghệ thuật Quân khu 9 và 7 năm công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc quân đội. Những tháng ngày “bám cơ sở” đó đã giúp ích cho chị rất nhiều trong việc giảng dạy hiện nay.
“Giảng dạy thanh nhạc, sợ nhất là thiếu sự trải nghiệm bởi kiến thức trong sách vở chỉ là một phần. Tôi may mắn được trải qua nhiều môi trường nghệ thuật để có thể trui rèn, tích lũy và học tập; kiến thức từ cuộc sống được tôi vận dụng vào bài giảng cho học trò. Như việc được đi biểu diễn ở Trường Sa năm 2015 đã giúp tôi hiểu hơn về đời lính, tự dặn mình phải sống tốt hơn, trách nhiệm hơn để xứng đáng với sự hy sinh của người lính đang ngày đêm bảo vệ biển trời của Tổ quốc” - chị bộc bạch.
2. Giành nhiều huy chương trong các hội diễn, liên hoan, thế nhưng, có lẽ tấm huy chương mà nghệ sĩ Hương Giang nhớ nhất, ấn tượng nhất là Huy chương Vàng tại Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân năm 2008. Năm ấy, chị vào vai nữ anh hùng Lê Thị Ràng - chị Sứ trong vở nhạc kịch “Hai người mẹ” của Đoàn nghệ thuật Quân khu 9 (tác giả và đạo diễn: Nhạc sĩ An Thuyên) dựa trên tiểu thuyết “Hòn đất” của nhà văn Anh Đức.
Vở diễn này từ lâu đã được giới chuyên môn đánh giá cao về tư duy và hình thức thể hiện nên việc Đoàn Nghệ thuật Quân khu 9 nhận dàn dựng vở diễn này được coi là bước đi mạnh dạn, táo bạo. Đối diện trước nhiều áp lực nên việc chọn ca sĩ vào vai chị Sứ đã được lãnh đạo Đoàn “nâng lên đặt xuống” rất nhiều. Cuối cùng, Hương Giang đã được lựa chọn và theo lý giải của giới chuyên môn, chị sở hữu “giọng nữ cao giàu nội lực, vừa mang tính hùng ca, lại đậm đà màu sắc trữ tình”.
15 năm trôi qua nhưng nhiều người vẫn nhớ, vẫn gọi Hương Giang bằng cái tên trìu mến: Chị Sứ. Chia sẻ về vai diễn này, chị cho biết: “Ngày đó, tôi mới ngoài 30 tuổi, còn non về tuổi nghề. Trước khi đảm nhận vai diễn, nhiều người cho rằng tôi đang “mặc chiếc áo quá rộng”, nhưng là người con miền Trung, tôi luôn tự dặn mình: Càng khó khăn càng phải nỗ lực vượt qua. Để vào vai chị Sứ, tôi đã đọc đi, đọc lại tác phẩm “Hòn đất”. Từ trang sách, tôi nghĩ về ca từ, nhập tâm đến mức mỗi khi cất tiếng hát, nước mắt lại trào ra. Và cứ thế, tôi miệt mài luyện tập để chị Sứ từ trang tiểu thuyết có thể bước lên sân khấu một cách sống động, chân thực".
3. Mới đây, nhân kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (7/4/1907 - 7/4/2023), NSƯT Hương Giang đã thể hiện ca khúc “Khắc ghi tên Người - Bác Ba Lê Duẩn” của nhạc sĩ Ngọc Khuê (phổ thơ tác giả Lê Khánh Hưng - cháu nội cố Tổng Bí thư). Trong ca khúc này, chị đã bày tỏ sự xúc động, lòng biết ơn sâu sắc của mình trước sự hy sinh, tấm gương sáng trong, giản dị của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn với cách mạng và dân tộc. Với dụng ý của tác giả, ca khúc sử dụng chất liệu dân ca ví giặm và đó lại là một cái duyên bởi Hương Giang là người con xứ Nghệ.
Cũng là “món quà” tri ân gửi đến các thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta, nghệ sĩ Hương Giang đã thể hiện ca khúc “Lời anh dặn” của nhạc sĩ Trần Hữu Bích, phổ thơ đồng chí Lê Đức Thọ viết tặng Tổng Bí thư Lê Duẩn trước khi vào Nam chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ca khúc như lời chia sẻ thân thương “thắng trận mới về” của đồng chí Lê Đức Thọ với Tổng Bí thư Lê Duẩn. Trong ca khúc này, chị đã thể hiện khả năng sáng tạo, sử dụng kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện và kinh nghiệm biểu diễn các ca khúc cách mạng để kết thúc ca khúc một cách hào hùng...
Trên cương vị giảng viên thanh nhạc, nghệ sĩ Hương Giang cho rằng, đây là ngành học không dễ dàng. Nếu không có đủ đam mê, sự cần mẫn, chăm chỉ luyện tập thì khó có thể thành công. Hương Giang muốn truyền lại cho lớp trẻ không chỉ là kỹ thuật thanh nhạc đơn thuần mà là hơi thở, là cái tình mà người nghệ sĩ nên đặt vào bài hát để truyền tải đến người nghe.
Nhìn vào thế hệ giảng viên đi trước, như NSND Trung Đức, NSƯT Hà Thủy, NSƯT Kim Phúc... dù nghỉ hưu nhưng vẫn tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội, chị khẳng định rằng nghề này không có tuổi. Chính vì thế, nhiều năm qua, chị luôn tâm huyết khi thể hiện trách nhiệm với sự nghiệp giáo dục, bằng chứng là các học trò của chị đã phát huy được năng lực, sở trường ở các đoàn nghệ thuật, như Bích Tâm (Đoàn Nghệ thuật Quân khu 4), Quỳnh Ngà (Đoàn Nghệ thuật Phòng không - Không quân), Hà Phương (Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng), Hồng Vinh (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh)...
Thượng tá, NSƯT Hương Giang (tên đầy đủ là Nguyễn Hương Giang) hiện là giảng viên khoa Thanh nhạc, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Chị được phong danh hiệu NSƯT vào năm 2016. Gần 30 năm hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, chị đã đạt một số thành tích, như Huy chương vàng tam ca “Nu ri sa” ở Hội diễn toàn quân năm 2003; Huy chương bạc (với bài “Ở rừng nhớ anh”), Huy chương vàng (với bài “Có một dòng suối trong lành”)... tại một số hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc...