Hà Nội đẩy mạnh công tác chăm sóc người có công
Xã hội - Ngày đăng : 07:29, 07/05/2023
- Ông có thể cho biết đôi điều về công tác chăm sóc người có công được tập trung triển khai thời gian qua?
- Quan tâm, chăm lo cho các đối tượng chính sách người có công và thân nhân là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, được thành phố Hà Nội thực hiện rất tốt thời gian qua. Trong đó, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Thủ đô đã thực hiện tốt chính sách đối với người có công với cách mạng theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công. Tính đến nay, thành phố có hơn 800 nghìn người có công và các đối tượng có liên quan, trong đó, hơn 82 nghìn người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp hằng tháng. Kinh phí thực hiện công tác ưu đãi người có công của thành phố năm 2022 là 2.215 tỷ đồng. Thành phố hiện có 6 trung tâm đang thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội là đơn vị tham mưu phát động phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, cũng là một trong những đơn vị đi đầu phong trào. Trong năm 2021 và 2022, các chỉ tiêu của phong trào đều được hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch đề ra; 100% số xã, phường, thị trấn làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa. Vận động Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” toàn thành phố đạt 80.682 triệu đồng; tặng 10.604 sổ tiết kiệm tình nghĩa (kinh phí hơn 14,8 tỷ đồng), hỗ trợ tu sửa nâng cấp nhà ở với 706 hộ gia đình người có công (hơn 27,3 tỷ đồng); tu sửa nâng cấp 226 công trình ghi công liệt sĩ (hơn 160,5 tỷ đồng); 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các cơ quan đơn vị nhận phụng dưỡng hằng tháng với mức phụng dưỡng trên 1,5 triệu đồng/tháng…
Các chế độ ưu đãi đối với người có công luôn được thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện. Cuối năm 2022, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 24/2022/NQ-HĐND ngày 8-12-2022 quy định một số chính sách đặc thù đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng của thành phố Hà Nội. Cùng với đó là Nghị quyết số 25/2022/NQ-HĐND ngày 8-12-2022 quy định mức hỗ trợ kinh phí hoạt động hằng năm của đại diện các ban liên lạc tù chính trị thành phố Hà Nội và nội dung, mức tặng quà của thành phố tới các đối tượng nhân dịp Tết Nguyên đán, kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, Ngày Quốc khánh 2-9, Ngày Quốc tế thiếu nhi và Tết Trung thu. Hầu hết các nội dung liên quan đến công tác người có công của Thủ đô đều được nâng lên một mức đáng kể so với mặt bằng chung, khẳng định sự quan tâm đặc biệt của thành phố đối với công tác tri ân, đền ơn, đáp nghĩa. Nhờ vậy, đời sống người có công không ngừng được nâng lên, cơ bản hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân nơi cư trú.
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội sẽ thực hiện những hoạt động nào để tiếp tục phát huy hiệu quả công tác người có công thời gian tới, thưa ông?
- Triển khai Kế hoạch tổ chức các hoạt động của UBND thành phố hướng tới kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội chủ trì, tham mưu tổ chức đoàn đại biểu thành phố thăm một số địa danh di tích lịch sử cách mạng, nghĩa trang liệt sĩ quốc gia có nhiều phần mộ liệt sĩ Hà Nội, viếng các nghĩa trang liệt sĩ thành phố. Tính đến thời điểm này, Sở đã hoàn thành việc tổ chức 2 đoàn đại biểu thành phố đi dâng hương tại các nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh Điện Biên và Hà Giang. Từ nay đến hết tháng 7, Sở tiếp tục chủ trì tham mưu, tổ chức 6 đoàn đại biểu thành phố đi viếng các nghĩa trang liệt sĩ tại tỉnh Quảng Trị, Nghệ An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Tây Ninh, Kon Tum và viếng 3 nghĩa trang liệt sĩ thành phố... Đáng chú ý, UBND thành phố cũng đã có chỉ đạo về việc xây dựng Dự án cải tạo, nâng cấp khu mộ liệt sĩ Hà Nội tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, tỉnh Quảng Trị.
Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung thực hiện một số chỉ tiêu cơ bản, quan trọng trong công tác chăm sóc người có công của năm 2023, bao gồm: Vận động Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” toàn thành phố đạt 22.980 triệu đồng; tặng 1.254 sổ tiết kiệm “Tình nghĩa” (mức sổ tiết kiệm thấp nhất 3 triệu đồng). Đáng chú ý, sẽ có 53 công trình ghi công liệt sĩ được tu sửa, nâng cấp. Thành phố cũng sẽ hỗ trợ tu sửa, nâng cấp nhà ở đối với 143 hộ gia đình người có công, đồng thời, tiếp tục vận động các cơ quan, đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng các bà mẹ liệt sĩ mới được phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, với mức phụng dưỡng phấn đấu từ 2 triệu đồng/người/tháng trở lên…
- Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về các giải pháp triển khai công tác “Đền ơn, đáp nghĩa”?
- Một mặt phấn đấu đạt hoặc vượt các chỉ tiêu đền ơn, đáp nghĩa đã đề ra, mặt khác, Hà Nội sẽ tổ chức thăm, gặp mặt và tặng quà người có công, các đơn vị nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công, đơn vị sản xuất, kinh doanh của thương binh, bệnh binh. Dự kiến, thành phố sẽ tặng 121.215 suất quà với tổng kinh phí là gần 193 tỷ đồng. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện việc hỗ trợ gia đình người có công xây dựng mới hoặc tu sửa lại nhà ở, chỉ đạo kiểm tra chất lượng công trình nhà ở, công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn thành phố. Cùng với đó, tăng cường huy động các nguồn lực, sự trợ giúp của các tổ chức, đơn vị, cá nhân và cộng đồng thăm hỏi, tặng quà, động viên các đối tượng chính sách khó khăn (như trao học bổng, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho con người có công…).
- Trân trọng cảm ơn ông!