Kinh tế Trung Quốc: Hướng tới tăng trưởng bền vững
Thế giới - Ngày đăng : 07:35, 07/05/2023
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý I-2023 của Trung Quốc tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức này cao hơn nhiều so với mức dự báo tăng 4%, và là mức tăng cao nhất trong một quý kể từ quý I-2022. So với quý IV-2022, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 2,2%.
Một điểm sáng là xuất khẩu tháng 3 tăng bất ngờ, đạt 315,6 tỷ USD, tăng 21,6% so với hai tháng đầu năm và cao hơn 14,8% so với cùng kỳ năm 2022. Qua đó, chấm dứt đà sụt giảm 4 tháng liên tiếp, đồng thời giúp xuất khẩu quý I-2023 của nền kinh tế số một châu Á chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng của bán lẻ xã hội đã phục hồi, nhờ tiêu dùng và nhu cầu hồi phục. Tổng mức bán lẻ hàng hóa tiêu dùng xã hội trong tháng 3 của Trung Quốc tăng 10,6% so với cùng kỳ, tăng 7,1% so với 2 tháng đầu năm và trở thành động lực chủ yếu thúc đẩy phục hồi kinh tế. Trong đà tăng chung, thu nhập bình quân đầu người trong quý I-2023 đạt 10.870 nhân dân tệ, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Giới quan sát tỏ ra lạc quan về nền kinh tế Trung Quốc, cho rằng đà phục hồi hiện nay có những đặc điểm mang tính cơ cấu, như đầu tư công mạnh hơn đầu tư tư nhân, tiêu dùng mạnh hơn đầu tư và kinh tế vĩ mô cải thiện mạnh hơn kinh tế vi mô… Các ngân hàng đầu tư và các tổ chức quốc tế đã nâng cấp dự báo tăng trưởng của Trung Quốc cho năm nay. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đầu tháng 5 dự báo, GDP của Trung Quốc sẽ tăng 5,2% trong năm nay và 5,1% vào năm 2024, nhấn mạnh đây sẽ là động lực quan trọng của kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, các ý kiến cũng chỉ ra một số hạn chế. Ví dụ, các số liệu cho thấy sự phục hồi chưa đồng đều. Đầu tư tư nhân còn yếu, với mức đầu tư tài sản cố định - một trong những động lực tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc suốt thập kỷ qua - chỉ tăng trưởng 5,1% trong quý I-2023, yếu hơn so với kỳ vọng 5,7% và kém xa mức tăng 9,3% của quý I-2022. Dù tiêu dùng hàng hóa phục hồi, nhưng doanh số ảm đạm. Thiết bị thông tin liên lạc chỉ tăng 1,8% và sản phẩm đồ điện gia dụng lại giảm 1,4% so với cùng kỳ và giảm tới 6,8% so với năm 2021. Hiện tượng này phản ánh sức mua của các hộ gia đình phổ thông không đủ. Tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ gia tăng, tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi 16-24 tăng 2,9% hiện ở mức 19,6%. Ngoài ra, giá sản phẩm công nghiệp của Trung Quốc đang có xu hướng giảm, khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong duy trì lợi nhuận.
Trước thực trạng trên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong giai đoạn phục hồi quan trọng lúc này, Bắc Kinh cần thúc đẩy mạnh mẽ việc cải cách mang tính cơ cấu, như: Chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ loại hình dựa vào đầu tư và vay nợ để thúc đẩy sang loại hình tiêu dùng và định hướng xuất khẩu; chuyển hướng chi tiêu tài khóa từ đầu tư cơ sở hạ tầng sang xây dựng phúc lợi hộ gia đình phổ thông; cải thiện môi trường quốc tế của lĩnh vực sản xuất phục vụ xuất khẩu… Trong tiến trình này, theo IMF, Trung Quốc sẽ phải dè chừng những rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế như lạm phát, nhu cầu toàn cầu thấp, cũng như tác động từ sự cố ngân hàng tại Mỹ và châu Âu.
Dù còn một số tồn tại, có thể khẳng định, thành tựu mà Trung Quốc đạt được trong quý đầu năm sẽ là nền tảng quan trọng để nền kinh tế số một châu Á này vươn lên, phá vỡ mốc tăng trưởng 5% trong năm 2023 như kỳ vọng của chính Bắc Kinh cũng như toàn thế giới.