Tạo cơ sở cho việc hình thành thói quen

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:49, 07/05/2023

(HNMCT) - Sau tháng 4, những hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 - năm 2023 trên phạm vi cả nước dần lắng lại, nhưng câu chuyện về văn hóa đọc và sự cần thiết làm lan tỏa thói quen đọc sách trong cộng đồng thì không.

Một trong hai thông điệp chính của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2023 là “Sách cho tôi, cho bạn”, bên cạnh “Sách: Nhận thức - Đổi mới - Sáng tạo”, đã khơi gợi một câu hỏi thiết thực đối với mục tiêu phát triển văn hóa đọc: Làm thế nào để đưa sách tới gần hơn với mọi người, một cách thực tế, để sách thực sự là món ăn tinh thần “cho bạn và cho tôi”? Làm thế nào để mỗi người có cơ hội đọc sách ở mọi lúc, mọi nơi trong bối cảnh cuộc sống gấp gáp?

Năm nay, chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc (21-4) trên phạm vi toàn quốc vẫn giữ được vẻ phong phú, nét tích cực, có ý nghĩa hướng cộng đồng đến với sự đọc. Tại Hà Nội, nhà tổ chức mở chuỗi sự kiện như giới thiệu sách mới - sách hay, giao lưu tác giả - tác phẩm - bạn đọc, thi kể chuyện về sách bằng tiếng Anh; hội thảo, tọa đàm về sách và văn hóa đọc. Ở thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động hưởng ứng phủ khắp các quận, huyện với hơn 100 sự kiện liên quan tới sách và sự đọc. Vẻ sôi nổi còn có thể thấy ở nhiều tỉnh, thành phố khác và một số bộ, ngành - những nơi cố gắng thể hiện sự quan tâm tới ý nghĩa, tầm quan trọng của sách và tri thức.

Cơ quan quản lý các cấp đã hoàn thành tốt phần việc động viên, khuyến khích sự đọc và đưa ra nét “đại cương” cho việc triển khai hành động để phong trào đọc sách trở thành hiện thực trên diện rộng, đem lại giá trị thực tế chứ không chỉ phát động rồi thôi. Có nghĩa là quyền được đọc, thói quen đọc, cách chọn sách tốt, cách đọc, cách ứng dụng những gì đã đọc vào cuộc sống cần được lan tỏa trong thực tế, trở thành mối quan tâm của mỗi gia đình, mỗi nhà trường và mỗi người. Trong đó, việc tạo thói quen đọc sách và bảo đảm quyền được tiếp cận với sách hay, sách tốt là yêu cầu quan trọng hàng đầu. Một thói quen dựa trên sự tự giác và thấu hiểu về giá trị của sự đọc chứ không phải ép buộc. Quyền dễ dàng được đọc ở mọi lúc, mọi nơi chứ không phải vất vả vượt qua rào cản.

Thực tiễn cho thấy đó không phải là điều dễ thực hiện một cách hiệu quả trong một sớm một chiều. Số lượng sách được xuất bản có sự tăng nhưng lời phàn nàn về sự đọc, nhất là của giới trẻ, thì chưa giảm. Nhiều phụ huynh học sinh tâm sự trên các nhóm “chat” qua mạng xã hội rằng họ không tiếc tiền mua sách cho con nhưng không biết làm thế nào để trẻ tự giác đọc thường xuyên; một số trẻ thích đọc qua mạng mà không có “bộ lọc” giúp chúng phân biệt sách nào có thể đọc và loại nào thì không nên.

Cuộc sống bận rộn khiến nhiều người không có thời gian đọc sách cùng con, không thể hướng dẫn con chọn sách phù hợp theo lứa tuổi hay sở thích khi chính mình cũng “thích mở mạng hơn mở sách”. Người “sẵn tiền” khổ sở về sự đọc của con, người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn lại có mối lo khác. Sách quý hóa thật đấy, nhưng làm sao để con có cơ hội tiếp cận thuận lợi khi thủ tục mượn sách ở nhiều thư viện còn khá nhiêu khê; mô hình thư viện trường học, nhà văn hóa xã, bưu điện... chưa đáp ứng được nhu cầu đọc, dễ thấy nhất là lượng sách hạn chế, thiếu sự phong phú và thậm chí là không phù hợp. Mối quan hệ giữa sách và văn hóa đọc với các thiết chế văn hóa cơ bản ở cấp cơ sở chưa được giải quyết tốt nên đã hạn chế cơ hội đọc của người vùng cao, vùng sâu, vùng xa...

Sau những hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc mang tính cổ vũ, khích lệ văn hóa đọc là tới phần hành động cụ thể. Những chuyển động tích cực có được hay không còn nhờ vào nỗ lực của cộng đồng, mỗi gia đình, nhưng trước hết phụ thuộc tâm thế vào cuộc và hiệu quả tổ chức hành động của ngành Văn hóa, Giáo dục và Đào tạo các cấp nhằm tạo ra những thế hệ muốn đọc sách vì hiểu rõ đó là điều bổ ích với chính mình, dành thời gian thích hợp cho việc đọc bên cạnh việc tìm niềm vui qua các phương tiện giải trí lành mạnh khác. Muốn cộng đồng thích đọc, có thói quen đọc thì trước hết phải tạo cơ hội thuận lợi để họ tiếp cận với sách - cả với người giàu và người nghèo, ở nông thôn hay thành thị.

Huy Toàn