Đau lưng - căn bệnh phổ biến của dân văn phòng
Sức khỏe - Ngày đăng : 07:10, 06/05/2023
“Bệnh bàn giấy”
Nhân viên văn phòng thường phải ngồi làm việc trong thời gian dài, sử dụng máy tính nhiều. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh đau lưng ở người làm công việc văn phòng, đặc biệt là khi họ ngồi làm việc sai tư thế. Việc ngồi liên tục trong nhiều giờ với một tư thế có thể dẫn đến căng cơ, mỏi lưng do các cơ không được kéo giãn. Nhiều người có thói quen ngồi im một chỗ, không chịu thay đổi tư thế, điều đó sẽ tạo áp lực cho chân và cột sống, dẫn đến bị mỏi lưng, đau lưng. Chưa kể, không ít người ngồi với tư thế còng lưng, dí sát mắt vào máy tính..., dẫn đến cột sống không được thẳng, có thể gây gù lưng hoặc thoát vị đĩa đệm.
Đau lưng là căn bệnh do tuổi tác; các cơn đau lưng xuất hiện thường xuyên hơn ở người lớn tuổi, phổ biến ở người 40 tuổi trở lên. Những người ít vận động, không thường xuyên tập thể dục cũng rất dễ bị bệnh này.
Ngoại hình cũng là một yếu tố liên quan đến căn bệnh đau lưng. Với những người bị thừa cân béo phì và có một lớp mỡ dày ở phần bụng thì khi ngồi thường xuyên dễ gây mỏi lưng, đau lưng.
Áp lực do công việc, mệt mỏi, căng thẳng cũng làm cho các cơ căng lên, khiến cột sống thiếu oxy dẫn đến đau, mỏi lưng.
Tìm đủ mọi cách để chữa bệnh đau lưng
Để chữa “bệnh bàn giấy”, nhiều nhân viên văn phòng tìm đủ mọi phương thức chữa bệnh như mua đai chống gù, thiết bị lắp vào ghế chống mỏi lưng, máy massage, các loại thực phẩm chức năng... Chị Nguyễn Thu Thủy (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Sau khi sinh mổ 2 con và bước vào độ tuổi 40 cùng với đặc thù công việc là phải “ôm” máy tính lâu khiến căn bệnh đau lưng ngày càng nặng. Tôi đã mua ghế massage, mua các dụng cụ massage cầm tay để sử dụng tại văn phòng, đi bấm huyệt trị liệu... Tuy nhiên, cơn đau vẫn kéo dài bởi việc massage, bấm huyệt chỉ giải quyết lúc đau mỏi nhất thời”.
Không ít nhân viên văn phòng còn tìm mua các loại thực phẩm chức năng để bổ sung canxi, glucosamin hay các loại "thuốc bổ" có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh đau xương khớp. Thậm chí, để thoát khỏi tình trạng đau mỏi khó chịu, nhiều người không đi khám mà tự ý sử dụng một số loại thuốc bán không kê đơn như paracetamol, ibuprofen...
Tuy nhiên, trong một nghiên cứu mới đây được công bố trên BMJ (tạp chí y khoa của Anh), các nhà khoa học đã phân tích hiệu quả và độ an toàn của các loại thuốc giảm đau thông thường được sử dụng để trị đau lưng. Kết quả cho thấy, các thuốc này chỉ giúp giảm đau ở mức tối thiểu, nhưng chúng để lại cho cơ thể một số biến chứng nghiêm trọng, làm tăng nguy cơ bị tác dụng phụ, đặc biệt là khi lạm dụng thuốc kéo dài.
Theo TS.BS Phạm Hồng Hà, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec, nguyên nhân khiến dân văn phòng bị đau lưng còn là do bị ứ đọng các chất chuyển hóa. Tình trạng đau lưng lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ dẫn tới bệnh cơ xương khớp.
Để hạn chế, giảm đau lưng thì người làm công việc văn phòng cần dành thời gian để vận động từ 5 - 10 phút sau mỗi giờ ngồi làm việc. Các loại máy massage không thể giúp trị dứt điểm căn bệnh này so với việc tăng cường vận động, thay đổi tư thế ngồi làm việc, đồng thời duy trì chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý. "Dân văn phòng" có thể tăng cường tập thể dục, thể thao sau khi tan làm như bơi, đi bộ, đạp xe, yoga, gym... Cần xây dựng thực đơn ăn uống đảm bảo cung cấp đầy đủ dưỡng chất thiết yếu cho xương khớp, gồm vitamin C, D, Omega-3, beta caroten... Không ít trường hợp bị đau mỏi lưng do thiếu vitamin D là vì thường xuyên làm việc trong phòng kín, thiếu ánh sáng. Do vậy, họ cần để cơ thể được tiếp xúc nhiều hơn với ánh sáng bằng cách đi dạo.
Bác sĩ Phạm Hồng Hà khuyến cáo, với "dân văn phòng", đau lưng có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Trong trường hợp tình trạng kéo dài hoặc việc đau lưng ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày thì người bệnh nên trực tiếp đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám, khi tìm được nguyên nhân chính xác thì sẽ có cách chữa bệnh hiệu quả.