FED nâng lãi suất lần thứ mười liên tiếp: Chưa hết những nguy cơ

Thế giới - Ngày đăng : 07:13, 06/05/2023

(HNM) - Như Báo Hànộimới đã thông tin, ngày 3-5, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định tăng lãi suất thêm 0,25% lên phạm vi mục tiêu từ 5,0 đến 5,25% - mức cao nhất trong vòng 16 năm qua. Đây là lần thứ mười liên tiếp FED tăng lãi suất kể từ tháng 3-2022. Dù động thái này có thể đưa lạm phát về ngưỡng mục tiêu 2%, song có thể gây thêm những tác động khiến ngành ngân hàng chịu nhiều tổn thương hơn nữa.

Ngành ngân hàng chịu nhiều áp lực khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ liên tiếp nâng lãi suất.

Quyết định tăng lãi suất được FED đưa ra khi lạm phát của Mỹ được thông báo ở mốc 5%. Dù đã giảm so với mức cao nhất vào năm 2022, song áp lực do lạm phát gây ra đối với đời sống người dân vẫn rất lớn, do đó, Washington tiếp tục duy trì các biện pháp kiểm soát giá cả. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất cũng vấp phải những ý kiến trái chiều bởi nền kinh tế Mỹ đang phải đối diện với những bất ổn của ngành ngân hàng và những dấu hiệu suy thoái đang trở nên rõ ràng.

Ngay đầu tuần này, Mỹ tiếp tục chứng kiến thêm sự sụp đổ của Ngân hàng First Republic. Cũng giống như Silvergate Bank, Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank - 3 ngân hàng phá sản trong tháng 3 - vụ đổ vỡ của First Republic một phần bắt nguồn từ chiến dịch tăng lãi suất kéo dài. Khi FED tăng lãi suất, các ngân hàng phải tăng lãi suất tiền gửi để cạnh tranh thu hút người gửi tiền với các ngân hàng khác. Cuộc đua lãi suất này đặt ra sức ép lớn đối với các ngân hàng khu vực và tầm trung. Ngoài ra, khi lãi suất tăng, các khoản đầu tư của các ngân hàng, nhất là đầu tư vào trái phiếu dài hạn, bị mất giá dẫn tới việc các ngân hàng gánh khoản thua lỗ hàng tỷ USD trên giấy tờ.

Chính vì thế, sau khi FED tuyên bố nâng lãi suất, trong phiên giao dịch ngày 4-5, cổ phiếu nhiều ngân hàng đã bị bán tháo. Đây là dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư lo ngại sẽ có những quân bài domino tiếp theo đổ xuống sau First Republic. Theo ông Brendan F.Boyle - thành viên cấp cao của Ủy ban Ngân sách Hạ viện, động thái nâng lãi suất có thể làm tăng thêm rủi ro mà nền kinh tế phải đối mặt. Nhiều ngân hàng bị căng thẳng trong những tuần gần đây đã phải gánh chịu hậu quả vì lãi suất tăng đã làm giảm giá trị thị trường của các khoản thế chấp và trái phiếu mà họ nắm giữ. Dù các quan chức FED khẳng định, ngành ngân hàng vẫn ở trạng thái ổn định, nhưng việc thắt chặt các điều kiện tín dụng và quy định sắp tới dự kiến sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đến đà tăng trưởng kinh tế, vốn chỉ đạt 1,1% hằng năm trong quý I. Vì những ngân hàng tầm trung thường là nguồn cung cấp vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sự mất ổn định của phân khúc ngân hàng này sẽ khiến không ít doanh nghiệp lao đao.

Các chuyên gia tài chính cho rằng, đến tháng 6 tới, tác động của đợt tăng lãi suất lần này đối với nền kinh tế Mỹ mới có thể được đánh giá một cách chính xác để từ đó các nhà hoạch định chính sách đưa ra những quyết định tiếp theo. Sở dĩ FED phải tiếp tục nâng lãi suất bởi cơ quan này gặp khó trong việc giảm lạm phát với mảng dịch vụ. Trong khi Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn phần tăng 5%, thì Chỉ số giá dịch vụ tăng 7,1%. Theo phân tích, do ảnh hưởng bởi tiền lương và chi phí nhân công tăng nên các dịch vụ khó có thể giảm.

Làm thế nào để cân bằng giữa kiềm chế lạm phát và bảo đảm tăng trưởng là một "bài toán khó" không chỉ đối với Mỹ mà còn với nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên, nhiều chính phủ đang ưu tiên kiểm soát lạm phát để hạn chế những tác động tiêu cực tới cuộc sống của người dân và bình ổn xã hội. Điều này được Chủ tịch FED Jerome Powell khẳng định sau cuộc họp ngày 4-5 rằng, các quan chức sẽ không lùi bước trong cuộc chiến chống lạm phát, ngay cả khi nền kinh tế Mỹ đã có dấu hiệu chùn bước trước áp lực của các điều kiện tín dụng bị thắt chặt. Do đó, nhiều chuyên gia tài chính nhận định, lãi suất của Mỹ sẽ tiếp tục được duy trì ở mức cao cho tới cuối năm nay.

Quỳnh Dương