Bạo lực học đường - Nỗi lo thường trực
Giáo dục - Ngày đăng : 06:16, 06/05/2023
Những sự việc đau lòng
Trong khi công an huyện Đông Anh đang vào cuộc điều tra vụ việc nữ sinh Trường Trung học cơ sở Xuân Nộn (huyện Đông Anh) bị bạn đến nhà đánh hội đồng đến mức nhập viện thì vẫn có thêm những vụ việc học sinh đánh nhau, quay clip đăng lên mạng xã hội khiến rất nhiều phụ huynh cảm thấy lo lắng. Trước đó, ngày 15-2, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh nhóm nữ sinh đánh nhau trên địa bàn huyện Thường Tín. Sau khi Công an thị trấn Thường Tín vào cuộc điều tra, đã xác minh, xác định được các đối tượng chính trong clip hiện đang là học sinh tại một trường trên địa bàn huyện Thường Tín. Nguyên nhân đánh nhau chỉ vì xích mích trên trang Facebook.
Ở các địa phương khác như thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Quảng Trị, Bắc Ninh... cũng đều xuất hiện tình trạng nữ sinh đánh nhau, quay clip, đăng trên mạng xã hội khiến dư luận rất bất bình.
Cùng với việc tiếp nhận học sinh đánh nhau phải nhập viện để điều trị vết thương thì đã có trường hợp phải nhập viện điều trị tinh thần. Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi trung ương, mới đây Khoa Sức khỏe vị thành niên đã tiếp nhận một học sinh cấp 2 có ý định tử tự do bạo lực học đường. Tham khảo gia đình cho biết, trẻ vốn hoạt bát, nhanh nhẹn, sức học khá nhưng bỗng luôn căng thẳng, sợ đi học thì gia đình mới phát hiện cháu bị các bạn đánh nhiều lần cả trong trường và ở ngoài trường. Quá trình thăm khám, bác sĩ thấy trẻ luôn nằm thu mình, không muốn nói chuyện cùng ai. Trắc nghiệm tâm lý cho kết quả trẻ bị sang chấn tinh thần nặng nề. Sau một thời gian điều trị, tinh thần của cháu đã cải thiện hơn, được xuất viện. Nhưng mọi người vẫn lo lắng về những ảnh hưởng tâm lý lâu dài đối với cháu nếu tình trạng bạo lực học đường không được ngăn chặn.
Cần giải pháp từ nhiều phía
Khi bạo lực học đường đang là mối lo lắng lớn của các bậc phụ huynh và xã hội do có thể gây ra những hậu quả khôn lường thì việc ứng phó với tình trạng này cần sự chung tay của cả cộng đồng. Chị Đỗ Giang Thủy (quận Hai Bà Trưng) cho biết: "Mỗi khi nghe các thông tin học sinh đánh nhau, tim tôi như bị nghẹn lại khi nghĩ đến 2 đứa con đang tuổi cắp sách đến trường. Tôi luôn trăn trở tìm mọi cách dạy dỗ, cảnh báo, chia sẻ với con để nắm bắt được thông tin và tâm lý của cháu nhằm bảo vệ con an toàn".
Theo Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phan Đình Giót (quận Thanh Xuân) Nguyễn Thanh Huyền, nhà trường chú trọng việc giáo dục, tuyên truyền học sinh phòng chống, ứng phó với tình trạng bạo lực học đường bằng nhiều cách thức như đưa vào các tiết giáo dục công dân, các buổi sinh hoạt dưới cờ để truyền tải, nâng cao nhận thức của học sinh, giáo viên về mối nguy hiểm và hậu quả của bạo lực học đường. Trường cũng tổ chức các buổi tọa đàm để lắng nghe học sinh chia sẻ về điều các em suy nghĩ và mong muốn, qua đó giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại người học, chống bạo lực học đường...
Cô giáo Nguyễn Thị Khuyên, thành viên Tổ tham vấn tâm lý học đường Trường Trung học phổ thông Vân Tảo (huyện Thường Tín) cho biết, từ nhiều năm nay, Tổ tham vấn tâm lý học đường của trường hoạt động khá hiệu quả với các kế hoạch cụ thể, đánh giá học sinh qua phiếu khảo sát, tập huấn giáo viên chủ nhiệm công tác tham vấn để giáo viên chủ nhiệm có kinh nghiệm nắm bắt sự việc, giúp cho học sinh giải quyết các vấn đề trên lớp, học sinh nào gặp sự việc phức tạp sẽ chuyển lên Tổ tham vấn tâm lý học đường của trường để có biện pháp xử lý kịp thời. Các thông tin của học sinh đều được bảo mật. Cô giáo tham vấn sẽ chú trọng giải quyết vấn đề từ bên trong của các học sinh để các em sửa mình, hoàn thiện kỹ năng quản lý cảm xúc bản thân, trước khi phòng tránh các tác nhân từ bên ngoài.
Để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phòng, chống bạo lực học đường, Trung tá Bùi Nhật Quang, Phó Trưởng Công an quận Hà Đông cho rằng, cần nâng cao hơn nữa vai trò của gia đình, nhà trường, xã hội đối với vấn đề bạo lực học đường. Phụ huynh cần quan tâm, chăm sóc kịp thời phát hiện các biểu hiện bất thường của con em mình, nhà trường cần xây dựng mô hình “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Lấy người học làm trung tâm”... Trường học phải là nơi an toàn, tạo cho học sinh tâm lý yên tâm mỗi khi đến, toàn xã hội cần có cách nhìn đúng đắn về vấn nạn bạo lực học đường, có sự đấu tranh phê phán, lên án hành vi xấu, đồng thời có sự bao dung đối với những hành vi vi phạm nhưng đã nhận thức được sai lầm của mình.