“Nóng” chuyện ngân hàng tăng vốn

Tài chính - Ngày đăng : 06:21, 06/05/2023

(HNM) - Theo thống kê mới nhất từ 27 ngân hàng, chỉ có 15 ngân hàng tăng vốn điều lệ, với mức tăng là 86.000 tỷ đồng, tương ứng khoảng 3,6 tỷ USD, thấp hơn đáng kể so với báo cáo trước đó. Câu chuyện ngân hàng tăng vốn lại trở thành đề tài “nóng” tại đại hội cổ đông của các ngân hàng.

Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) sẽ tăng vốn 18,1%. Ảnh: Đỗ Tâm

Nhiều kế hoạch tăng “khủng”

Đáng chú ý nhất là thông tin tăng vốn của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank Phạm Quang Dũng cho biết, theo kế hoạch, Vietcombank tăng vốn từ nguồn lợi nhuận năm 2020 và lợi nhuận còn lại của năm 2019 với tỷ lệ phát hành tăng vốn 18,1%. Nếu không có gì thay đổi, khoảng một tháng nữa ngân hàng sẽ hoàn thành kế hoạch này. Tiếp đó, ngân hàng tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận của năm 2021 và lợi nhuận lũy kế còn lại đến trước năm 2018, khoảng 27.000 tỷ đồng, tương đương vốn điều lệ tăng thêm là 58,4%. Bên cạnh đó là kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, dự kiến trong năm 2023-2024.  

Với Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LPB), phương án tăng vốn điều lệ lên 28.676 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu đã được đại hội cổ đông cuối tháng 4-2023 thống nhất. Cụ thể, LPB phát hành cho cổ đông hiện hữu 500 triệu cổ phiếu (5.000 tỷ đồng), phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động 10 triệu cổ phiếu (100 tỷ đồng), phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài 300 triệu cổ phiếu (3.000 tỷ đồng), nâng tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng lên 15,5%. Đồng thời, LPB sẽ chi trả cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu tương ứng 3.285 tỷ đồng. Chủ tịch Hội đồng Quản trị LPB Nguyễn Đức Thụy cho hay, ngân hàng muốn gia tăng nguồn vốn trung - dài hạn để mở rộng kinh doanh, bảo đảm hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định của các cơ quan chức năng.

Tương tự, Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB) có kế hoạch chia 6.801 tỷ đồng cổ tức bằng cổ phiếu trong năm 2023. Theo lãnh đạo MB, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ giúp vốn điều lệ của MB tăng thêm tương ứng 6.801 tỷ đồng. Bên cạnh việc phát hành hơn 680 triệu cổ phiếu trong năm 2023, ngân hàng cũng dự kiến tăng thêm 1.542 tỷ đồng vốn điều lệ theo phương án tăng vốn đã được đại hội đồng cổ đông năm 2022 thông qua. Vốn điều lệ dự kiến của MB năm 2023 là 53.683 tỷ đồng.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank). Ảnh: Nguyễn Quang

Sẽ tiếp tục sôi động?

Rõ ràng, cuộc đua tăng vốn của các ngân hàng ngày càng “nóng” bất chấp bối cảnh nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn. Song theo đánh giá của các chuyên gia, không phải ngân hàng nào cũng tăng vốn thành công. Chẳng hạn Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh vượng (VPBank), trong năm 2022, dù tăng 50% vốn điều lệ từ việc trả cổ tức bằng cổ phiếu, nhưng chưa hoàn thành kế hoạch phát hành riêng lẻ với tỷ lệ 15% cho đối tác chiến lược. Kế hoạch của VPBank là tăng vốn điều lệ lên mức 79.344 tỷ đồng, nhưng chỉ cán mốc 67.434 tỷ đồng cuối năm 2022. Hay như Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) được cơ quan quản lý phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ lên mức hơn 36.000 tỷ đồng hồi tháng 10-2022, nhưng chỉ kịp tăng vốn thêm 15% từ việc chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Đại diện của các ngân hàng cho biết, thị trường chứng khoán gặp khó khăn là một trong những lý do ảnh hưởng đến việc tăng vốn của các ngân hàng. Đa phần kế hoạch tăng vốn được cơ quan quản lý phê duyệt vào tháng 4, nhưng sau đó thị trường bắt đầu đi xuống, đặc biệt là trong giai đoạn giữa tháng 11 khi hệ thống ngân hàng gặp trục trặc thanh khoản.

Theo báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) công bố đầu tháng 2 vừa qua, việc các ngân hàng không hoàn thành kế hoạch tăng vốn một phần là do vấn đề trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản kém tích cực, cũng như sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu. Thời gian qua, có thể thấy đa phần việc tăng vốn thành công là nhờ chia cổ tức bằng cổ phiếu, trong khi phát hành thêm cổ phần cho nhà đầu tư gần như chững lại. Tuy nhiên, thống kê của VCSC cũng cho thấy chỉ riêng Vietcombank, VPBank, MB, LPB, ước tính vốn mới huy động có thể lên đến 68.000 tỷ đồng, tương ứng 2,9 tỷ USD giai đoạn 2023-2024.

Nhận định về kế hoạch tăng vốn của các ngân hàng, Tiến sĩ Châu Đình Linh - Trường Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, hình thức tăng vốn chính vẫn là chia cổ tức bằng cổ phiếu, hay giữ lại lợi nhuận. Muốn tăng vốn như kỳ vọng, ngân hàng cần nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo dựng thương hiệu ngày càng uy tín trên thị trường để thu hút thêm các nhà đầu tư chiến lược.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định, tăng vốn luôn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng trong nhiều năm trở lại đây, nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe về an toàn hoạt động, đồng thời có thêm nguồn lực để mở rộng hoạt động kinh doanh. Các ngân hàng sẽ phải tiếp tục hoàn thành kế hoạch tăng vốn cũ đã đặt ra trong năm ngoái, hoặc đưa ra những kế hoạch táo bạo hơn. Hoạt động tăng vốn sẽ là áp lực không nhỏ với các ngân hàng trong năm nay.

Hà Linh