Nhập khẩu nguyên phụ liệu nhiều ngành sản xuất giảm sâu

Kinh tế - Ngày đăng : 16:30, 05/05/2023

(HNMO) - Thông tin về hoạt động nhập khẩu hàng hóa 4 tháng qua, Bộ Công Thương hôm nay (5-5) cho biết, do những khó khăn về đơn hàng xuất khẩu nên nhu cầu nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất giảm 18% so với cùng kỳ.  Đáng chú ý, nhập khẩu quặng và khoáng sản, bông, thép, xăng dầu, phân bón… giảm mạnh, riêng nhập khẩu nguyên phụ liệu thuốc lá giảm tới 73,3%, cao su giảm 39,4%.

Nhập khẩu bông nguyên liệu 4 tháng qua giảm 30,7%. Ảnh minh họa: Internet

Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 4-2023 ước đạt 26,03 tỷ USD, giảm 8,1% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,13 tỷ USD, giảm 13%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 16,9 tỷ USD, giảm 5,2%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 4 giảm 20,5%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 19,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 21,1%.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 102,22 tỷ USD, giảm 15,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 36,62 tỷ USD, giảm 11,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 65,6 tỷ USD, giảm 17,4%.

Trong 4 tháng đầu năm 2023 có 19 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 75,8% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 2 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 37,1%).

Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu, chiếm 86% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2023 là nhóm hàng cần nhập khẩu (nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước) với kim ngạch ước đạt 88 tỷ USD, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân của tình trạng này là do những khó khăn về đơn hàng xuất khẩu nên nhu cầu nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất giảm. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt cao nhất, ước đạt 25,4 tỷ USD, giảm 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, kim ngạch nhập khẩu hầu hết các mặt hàng khác cũng ghi nhận mức giảm như: Nguyên phụ liệu thuốc lá giảm 73,3%; cao su các loại giảm 39,4%; quặng và khoáng sản khác giảm 34,4%; bông các loại giảm 30,7%; thép các loại giảm 25,8%; hóa chất giảm 24,5%; xăng dầu các loại giảm 17%; phân bón giảm 38,6%...

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu nhóm năng lượng tăng như: Khí đốt hóa lỏng tăng 5,1% so với cùng kỳ; dầu thô tăng 13,8%, sản phẩm khác từ dầu mỏ tăng 5,7%. Kim ngạch nhập khẩu nhóm nông thủy sản tăng như: Thủy sản tăng 20,8%; lúa mì tăng 6,9%; ngô tăng 10,6%, thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 5,8%.

Ngoài ra, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 6,6 tỷ USD. Trong đó, tăng cao nhất là kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ, tăng 51,7% và phế liệu sắt thép, tăng 27,7%.

Cũng theo Bộ Công Thương, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ hầu hết các thị trường đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 33,2 tỷ USD, giảm 13,4% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc ước đạt 16,7 tỷ USD, giảm 25,7%; thị trường ASEAN đạt 13,4 tỷ USD, giảm 17,1%; Nhật Bản đạt 6,9 tỷ USD, giảm 12,8%; thị trường EU đạt 4,38 tỷ USD, giảm 17%; Hoa Kỳ đạt 4,08 tỷ USD, giảm 11,9%.

Lam Giang