Tập trung giữ vững các tiêu chí nông thôn mới

Nông thôn mới - Ngày đăng : 06:29, 05/05/2023

(HNM) - Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, chung sức của người dân, huyện Ba Vì đã hoàn thành các tiêu chí và đang đề nghị cơ quan thẩm quyền công nhận huyện nông thôn mới. Bên cạnh đó, huyện tập trung huy động các nguồn lực từ nhân dân, ngân sách nhà nước để giữ vững và “nâng chất” các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tới.

Huyện Ba Vì đẩy nhanh tiến độ xây dựng trục đường xã Phong Vân đáp ứng tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Đủ điều kiện đạt chuẩn

Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Giáp Đông cho biết, trước khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Ba Vì gặp rất nhiều khó khăn: Hệ thống kết cấu hạ tầng xuống cấp, kinh tế chậm phát triển, sản xuất tiểu thủ công nghiệp nhỏ lẻ, nông nghiệp độc canh cây lúa phụ thuộc vào thiên nhiên, thu nhập của người dân còn thấp, bình quân đạt có 21,7 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 14,1%.

Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự ủng hộ của người dân, hơn 10 năm qua, huyện Ba Vì đã huy động được gần 9.944 tỷ đồng từ ngân sách và gần 636 tỷ đồng từ người dân, doanh nghiệp... để đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, huyện Ba Vì có 30/30 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; thị trấn Tây Đằng đạt chuẩn văn minh đô thị. Huyện Ba Vì hoàn thành 9/9 tiêu chí, đủ điều kiện đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2022.

Thực tế ở Ba Vì hiện nay, toàn bộ hệ thống giao thông từ trục xã, liên xã đến trục chính nội đồng đã được nhựa hóa, bê tông hóa. Hệ thống thủy lợi nội đồng được đầu tư bảo đảm phục vụ sản xuất và phòng, chống thiên tai. 100% số hộ dân được sử dụng điện thường xuyên, an toàn. Toàn huyện có 28/35 trường trung học cơ sở, phổ thông cơ sở và 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế. Huyện không còn hộ dân nào phải ở nhà tạm, nhà dột nát… Đặc biệt, thu nhập của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao (năm 2022 đạt 55,6 triệu đồng/người/năm, tăng 33,9 triệu đồng so với năm 2010); tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2022 còn 0,57%, giảm 13,53% so với năm 2010…

Ông Quách Văn Thân (ở thôn Văn Minh, xã Cam Thượng, huyện Ba Vì) đã tự nguyện hiến 75m2 đất thổ cư để mở rộng đường giao thông của địa phương chia sẻ: “Được chính quyền vận động, tôi cùng các hộ khác đã tự nguyện hiến đất để làm đường. Chúng tôi tự hào và hài lòng về thành quả của Chương trình xây dựng nông thôn mới đã đạt được trong thời gian vừa qua”.

Còn bà Nguyễn Thị Mai Lan (ở thôn Gò Đá Chẹ, xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì) cho hay: “Nếu không xây dựng nông thôn mới, thôn chúng tôi không thể có được bộ mặt khang trang, sạch đẹp như ngày hôm nay. Nhà nước hỗ trợ kinh phí, người dân bỏ công sức ra làm công trình, rồi cũng chính người dân được hưởng lợi…”.

Cần thêm nguồn lực

Xác định xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc và mục tiêu quan trọng hướng tới là không ngừng nâng cao đời sống của người dân, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung cho biết, huyện phấn đấu đến hết năm 2025 có từ 10 đến 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; từ 3 đến 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người mỗi năm đạt 72 triệu đồng trở lên...

Theo Chủ tịch UBND xã Phong Vân (huyện Ba Vì) Nguyễn Huy Hoàng, để hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023, xã cần khoảng 116 tỷ đồng để thực hiện 2 dự án liên quan đến lĩnh vực giao thông thủy lợi, 2 dự án văn hóa, 1 dự án môi trường. Còn theo Chủ tịch UBND xã Tản Hồng (huyện Ba Vì) Hoàng Minh Sơn, năm 2022, xã đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao. Để hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn kiểu mẫu vào năm 2024-2025, xã Tản Hồng cần khoảng 134 tỷ đồng đầu tư 3 dự án liên quan tới lĩnh vực giáo dục…

Thống kê của Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Ba Vì cho thấy, từ nay đến năm 2025, huyện Ba Vì cần khoảng 2.691 tỷ đồng đầu tư các dự án liên quan đến lĩnh vực: Giao thông, thủy lợi, giáo dục, văn hóa - y tế, môi trường; trong đó, riêng năm 2023 là hơn 966 tỷ đồng.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng cho biết, trong thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới; triển khai có hiệu quả phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” và thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”…

“Đẩy nhanh tiến độ triển khai giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu đấu giá quyền sử dụng đất, tạo nguồn lực thực hiện những tiêu chí đòi hỏi kinh phí lớn. Thực hiện nhanh gọn các thủ tục hồ sơ đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh... để thu hút nhà đầu tư, bảo đảm nguồn lực cho các chỉ tiêu, tiêu chí còn chưa đạt…”, ông Đỗ Mạnh Hưng cho biết.

Với định hướng rõ ràng, lộ trình cụ thể, huyện Ba Vì sẽ nối tiếp những thành công mới trên con đường xây dựng nông thôn mới.

Kim Nhuệ