Khuyến khích, nhân rộng những ý tưởng
Văn hóa - Ngày đăng : 16:35, 04/05/2023
Bãi rác thành sân chơi
Khi nói về chủ đề "Thiết kế từ những hạn chế", các hoạt động tạo sân chơi cho trẻ em của nhóm Think Playgrounds luôn được nhắc đến như một ví dụ điển hình. Mục tiêu của nhóm là tìm kiếm các giải pháp đơn giản, hiệu quả và sáng tạo để xây dựng các sân chơi cho trẻ em sinh sống tại khu vực trung tâm thành phố. Bắt đầu từ việc đi tìm các khoảng trống trong đô thị, những nơi từng để hoang hoặc được sử dụng để đồ phế thải, bãi rác, nơi trông giữ xe..., nhóm đã lên kế hoạch, thảo luận với cộng đồng xung quanh đó để tạo thành những sân chơi có tính kết nối cao. Có khi chỉ một vài cây xanh được đặt đúng chỗ, bục bê tông cũ được cải tạo thành chỗ ngồi, một vài lốp xe hỏng được trang trí làm chỗ cho trẻ em vận động, vài cái xích đu làm từ vật liệu tái chế, cầu trượt làm từ đồ gỗ tận dụng... cũng đủ tạo nên một không gian để người lớn có thể tập trung chuyện trò, trẻ con vui chơi...
Hơn 100 sân chơi đã được ra đời một cách giản dị nhưng đầy nỗ lực như thế ở Hà Nội và nhiều tỉnh khác. Nhóm cho biết, phương pháp hoạt động của Think Playgrounds bao gồm: Phối hợp chặt chẽ với khu dân cư để dành lại một phần đất công cộng cho sân chơi; cùng các kiến trúc sư sáng tạo ra các thiết kế phù hợp, các thiết bị vui chơi từ vật liệu tái chế nhưng vẫn đảm bảo an toàn, độ bền và tính sáng tạo. Ngoài việc xây dựng các sân chơi, nhóm có các hoạt động khác như Playday nhằm nâng cao nhận thức của người dân, hay workshop để mở rộng mạng lưới những người tham gia, phối hợp với truyền thông để tìm kiếm sự hỗ trợ từ chính quyền.
Đòi hỏi từ đời sống
Think Playgrounds có thể dễ dàng tạo được một sân chơi đơn giản nhưng rất hiệu quả cho cộng đồng chính là nhờ khả năng biến “sở đoản” thành “sở trường”, biến hạn chế thành thế mạnh: Tận dụng chính những không gian chết, đất kẹt tại địa phương, đồ chơi chủ yếu là đồ tái chế. Thực tế, ý tưởng này không mới, nó bắt nguồn từ truyền thống của người Việt nói chung luôn biết tận dụng, vận dụng sáng tạo những yếu tố trong thực tế, đôi khi biết biến những thứ bất lợi thành có lợi, tưởng như vô dụng thành hữu dụng. Xu hướng này được ủng hộ bởi nó đáp ứng được những đòi hỏi của thời đại.
Nhà thiết kế Từ Phương Thảo cho biết: “Hạn chế ở đây, có thể là nguồn dữ liệu nghèo nàn, lộn xộn; kinh phí sản xuất cực kỳ eo hẹp, thời gian vô cùng gấp gáp... Đó là những điều mà chúng ta sẽ phải vui vẻ đối mặt và xử lý một cách thông minh. Những giải pháp thiết kế lạc quan, tiết kiệm, uyển chuyển áp dụng những phương pháp gia công thành phẩm đơn giản mà hữu hiệu, những ý tưởng xây dựng hình ảnh thương hiệu với chi phí thấp (giá rẻ chứ không phải rẻ tiền; sửa chữa nếu cần), dùng ít nhân công và thời gian nhất có thể... để có một kết quả đáng tự hào”.
Nói về nguyên nhân khiến xu hướng mới được yêu thích, kiến trúc sư Nguyễn Đình Hòa cho rằng nó đã đáp ứng được những đòi hỏi rất cụ thể từ các đối tượng khác nhau trong đời sống hằng ngày. Anh dẫn giải về những đòi hỏi đó: “Người tiêu dùng: Tôi cần một sản phẩm hữu dụng, thú vị và phù hợp với túi tiền. Người bán hàng: Tôi cần một sản phẩm dễ tiêu thụ và có thể tồn tại ít nhất 3 - 5 năm trên thị trường. Người tiếp thị: Tôi cần một sản phẩm có thể khai thác nội dung và hình ảnh theo các cách khác nhau. Người sản xuất: Tôi cần những đơn đặt hàng sản phẩm đều đặn và phù hợp với nguồn lực, tư liệu sản xuất của chúng tôi. Người đầu tư: Tôi cần một sản phẩm với chi phí sản xuất thấp và có thể mở ra một kỷ nguyên mới về doanh thu - lợi nhuận cho chúng tôi. Người thiết kế: Tôi muốn có 5 - 7% trên giá bán lẻ mỗi sản phẩm... Ngành công nghiệp thiết kế thực sự được hoạt động dựa trên việc tìm ra giải pháp cân bằng những nhu cầu như vậy từ đầu thế kỷ XX đến bây giờ. Trong quá trình đi tìm giải pháp, các nhu cầu này ràng buộc và hạn chế lẫn nhau, nhưng chưa bao giờ khiến cho ngành công nghiệp thiết kế đứng yên tại chỗ hoặc đi thụt lùi, thậm chí những thành tựu của nền văn minh của nhân loại đều bắt đầu từ những điều này. Những ràng buộc và hạn chế có thể khiến chúng ta chùn bước khi phải đối mặt trước một tờ giấy A4 trắng tinh, mà không biết phải vẽ cái gì để làm cho tờ giấy này trở nên có ý nghĩa, nhưng đó là lúc chúng ta chính thức bước chân vào vùng đất của sự sáng tạo”.
Biến ý tưởng thành hiện thực
Để khuyến khích, nhân rộng việc sáng tạo dựa trên những hạn chế, năm nay, Tuần lễ Thiết kế Việt Nam đã chọn “Thiết kế từ những hạn chế” làm đề bài cho các thí sinh.
Nhà thiết kế Lê Bá Ngọc nhận định: “Nguồn tài nguyên trong thế giới chúng ta đang sống đang ngày càng trở nên khan hiếm, do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc khai thác và sử dụng không hợp lý, thiếu các giải pháp tăng tỷ lệ thu hồi nguyên liệu, thiếu cách tiếp cận tái sử dụng hoặc kéo dài vòng đời của sản phẩm... Đó chính là nguyên nhân gây nên các thảm họa thiên tai, gây nên sự phá hủy môi trường sống... Các sản phẩm trang trí và quà tặng hiện đang sử dụng nhiều nguồn tài nguyên, từ thực vật (gỗ, mây, tre, lá...) đến đất (sét, cao lanh...), kim loại (đồng, nhôm...). Với chủ đề “Thiết kế từ những hạn chế”, cuộc thi khuyến khích các thí sinh đề xuất giải pháp thiết kế cho sản phẩm trang trí và quà tặng đáp ứng tối đa các yêu cầu sau đây: Sử dụng nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương; nâng cao hiệu suất sử dụng (tỷ lệ thu hồi) nguyên vật liệu; tái sử dụng các nguyên vật liệu sẵn có để tạo nên sản phẩm mới hoặc kéo dài tuổi thọ của sản phẩm; sử dụng nguyên vật liệu là phụ phẩm nông nghiệp để gia tăng giá trị; khuyến khích các sản phẩm có khả năng sản xuất và đi vào cuộc sống, không chỉ là các tác phẩm đơn chiếc”.
Sau 4 năm gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, Hà Nội đã và đang có nhiều nỗ lực để phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng Thành phố sáng tạo. Cùng với cơ chế, chính sách, kế hoạch để thúc đẩy xây dựng Thành phố sáng tạo, tiêu biểu là Nghị quyết số
09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Kế hoạch số 102/KH-UBND về triển khai sáng kiến tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO đến năm 2025..., Thành phố Hà Nội luôn đồng hành, khuyến khích các nghệ sĩ tham gia tích cực vào hoạt động sáng tạo thông qua nhiều cuộc thi gắn với thiết kế sáng tạo. Trong đó, có thể kể tới cuộc thi “Thiết kế Không gian sáng tạo Hà Nội”, “Thiết kế km số 0”, “Hà Nội sáng tạo”, “Thiết kế Nghệ thuật công cộng Hà Nội”; đưa vào hoạt động nhiều tuyến phố đi bộ - những không gian văn hóa sáng tạo; tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo, Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại, Liên hoan sáng tạo và thiết kế Việt Nam... Đây chính là môi trường để nhân lên những ý tưởng, biến ý tưởng thành hiện thực, đặc biệt là những ý tưởng dựa trên việc tận dụng những cái sẵn có, biến khó khăn thành nguyên liệu sáng tạo, vừa phù hợp truyền thống vừa mang tính thời đại.
Tuần lễ Thiết kế Việt Nam là chương trình thường niên, được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2020, do VietNam Design Group và Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS) chủ trì tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Sự kiện này gồm chuỗi hoạt động như cuộc thi Designed by VietNam, triển lãm, hội thảo, workshop, mở xưởng (open studio), trình diễn (design show) nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành thiết kế nói riêng và công nghiệp văn hóa và sáng tạo Việt Nam nói chung, làm gia tăng giá trị sản phẩm sáng tạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.