Sự ưu tiên cần thiết
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:05, 04/05/2023
Chủ trương di dời các cơ sở ở nội thành Hà Nội và sử dụng quỹ đất sau khi di dời đã được quy định tại Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng hơn 8 năm qua, tiến độ và kết quả di dời còn rất hạn chế. Đáng tiếc là ngay cả với quỹ đất sau di dời không nhiều ấy thường cũng không được dành cho xây dựng công trình công cộng, phúc lợi xã hội. Một số dẫn chứng là, các khu đô thị với nhiều tòa chung cư cao tầng đã mọc lên sau khi nhà máy di dời trên các đường, phố: Trương Định, Lĩnh Nam, Minh Khai, Nguyễn Trãi, Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Lê Trực và mới nhất là đường Lê Văn Lương...
Cần hiểu rằng, có di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, cơ sở giáo dục đại học, bệnh viện, thì khu vực nội đô mới giảm tải được mật độ dân cư, mật độ phương tiện giao thông vốn đang rất cao; từ đó, khắc phục được tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Và, phải ưu tiên sử dụng quỹ đất sau di dời để xây dựng công trình công cộng, phúc lợi xã hội là vì quỹ đất nội đô dành cho các công trình này đã cạn kiệt; trong khi tình trạng thiếu trường, thiếu lớp rất cấp bách; tỷ lệ cây xanh, công viên, vườn hoa, bãi đỗ xe… cũng đang ở mức rất thấp so với nhu cầu, tiêu chuẩn và quy hoạch... Chỉ tính riêng tỷ lệ đất dành cho giao thông tĩnh của thành phố đến nay cũng chưa đạt 1%, đáp ứng chưa tới 25% nhu cầu thực tế.
Do đó, lưu ý trên của Bí thư Thành ủy Hà Nội hoàn toàn phù hợp với thực tiễn đời sống đang đặt ra, là mong muốn của người dân, là sự cụ thể hóa nội dung Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2023 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (nhóm nhiệm vụ - giải pháp thứ tư). Nói cách khác, đây chính là “ý Đảng, lòng dân”.
Vậy, việc cần làm là gì? Trước tiên, phải cụ thể hóa lưu ý trên vào trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đặc biệt là Luật Thủ đô (sửa đổi). Chỉ khi làm như vậy, chủ trương quan trọng này mới được thể chế hóa, có đủ sức nặng pháp lý để tổ chức thực hiện về lâu dài.
Đồng thời, các cấp, ngành cần tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 2-3-2022 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội”, trọng tâm là tăng cường kiểm tra, giám sát; đề cao kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm người đứng đầu...
Sử dụng quỹ đất sau di dời các cơ sở để xây dựng công trình công cộng, phúc lợi xã hội là sự ưu tiên cần thiết. Đây là lời giải cho bài toán xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại.