Khắc phục khó khăn về nguồn nước sản xuất
Nông nghiệp - Ngày đăng : 07:27, 26/10/2022
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tổng lượng mưa tại các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ, từ tháng 11-2022 đến tháng 1-2023 phổ biến ở mức thấp hơn so với cùng kỳ trung bình nhiều năm từ 20 đến 40%; từ tháng 2 đến tháng 4-2023 thấp hơn từ 15 đến 25%. Mực nước trên các sông suối ở khu vực Bắc Bộ sẽ xuống dần trong thời gian tới...
Đặc biệt, theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, dung tích trữ của các hồ thủy điện trên lưu vực sông Hồng đang ở mức thấp. Hơn nữa, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình sẽ phải thay thế thiết bị định kỳ bắt buộc và chỉ có thể vận hành tối đa 7/8 tổ máy trong các đợt xả nước phục vụ gieo cấy lúa vụ đông xuân 2022-2023...
Trước những thông tin trên, ngày 14-10 vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị UBND thành phố Hà Nội và các tỉnh thuộc khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ chỉ đạo đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ đông xuân 2022-2023 với nhu cầu sử dụng nguồn nước bổ sung từ các hồ chứa thủy điện chỉ trong 2 đợt và thời gian hoàn thành việc lấy nước muộn nhất là ngày 10-2-2023. Bộ NN&PTNT cũng đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo đơn vị liên quan lắp đặt khẩn cấp các trạm bơm dã chiến: Trung Hà, Phù Sa, Liên Mạc... hoặc có phương án nguồn nước thay thế để bảo đảm chủ động cấp nước không phụ thuộc vào dòng chảy bổ sung từ các hồ chứa thủy điện; không phát sinh nhu cầu điều tiết nước bổ sung từ các hồ chứa thủy điện sau ngày 10-2-2023...
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội Đào Quang Khải cho biết, đơn vị đang tham mưu Sở NN&PTNT đề xuất UBND thành phố các giải pháp ứng phó khó khăn nguồn nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2022-2023 theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT...
Trước đó, ngày 10-10, Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2022-2023 trên cơ sở bố trí diện tích, cơ cấu, thời vụ gieo trồng phù hợp thực tế của địa phương và năng lực về nguồn nước. Đối với những diện tích cấy lúa có khả năng không bảo đảm đủ nước tưới suốt vụ, các địa phương phải kiên quyết chuyển sang cây trồng có nhu cầu dùng nước thấp... Các doanh nghiệp thủy lợi kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình thủy lợi sau mùa mưa bão, úng năm 2022. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp thủy lợi chủ động sửa chữa hư hỏng công trình, nạo vét cửa dẫn nước, bể hút trạm bơm đầu mối, hệ thống kênh mương; đồng thời, theo dõi chặt chẽ thông tin, diễn biến thời tiết để lập kế hoạch vừa tích nước vừa bảo đảm an toàn công trình thủy lợi...
“Các doanh nghiệp thủy lợi và địa phương phải xây dựng phương án phòng, chống hạn vụ đông xuân 2022-2023 sát thực tế, đưa ra nhiều tình huống giả định. Phương án đặt ra các giải pháp phải bảo đảm vận hành công trình tưới phục vụ gieo cấy trong mọi tình huống”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội Đào Quang Khải lưu ý.