Người giữ quá khứ cho tương lai
Văn hóa - Ngày đăng : 02:29, 03/05/2023
Lưu dấu một thế hệ anh hùng
Tôi rất ấn tượng với cách anh Bình say sưa hướng dẫn tôi khám phá căn nhà có bề ngang bé xíu, chỉ khoảng 2m trong hẻm chợ Vườn Chuối đông đúc ở quận 3. Khi tôi hỏi “hầm bí mật ở đâu”, anh Bình nheo mắt tinh nghịch nói: “Anh tìm thử xem, ngay gần chỗ anh đứng đấy”.
Và tôi phải tìm mãi mới thấy một ô vuông 4 mạch gạch lát nền rộng hơn các mạch gạch khác một cách bất thường. Cửa hầm bí mật được nhấc lên, tôi chui xuống, trước mắt hiện ra vô số những vũ khí bộ binh các loại được xếp ngay ngắn, thơm mùi mỡ niêm cất. “Cha tôi và đồng đội có hàng chục hầm vũ khí này trong nội thành Sài Gòn suốt những năm tháng chiến tranh”, anh Bình nói, giọng trầm xuống.
Ông Trần Văn Lai, cha của anh Bình, sinh năm 1920, tại Thái Bình. Năm 13 tuổi, ông rời quê lên Hà Nội làm giúp việc và được cán bộ cách mạng gặp gỡ, giác ngộ, đưa vào Sài Gòn. Năm 16 tuổi, ông tham gia công tác tuyên truyền, xây dựng cơ sở, lực lượng cách mạng trong đơn vị của Trung tướng Nguyễn Bình, Tư lệnh các lực lượng vũ trang miền Nam. Năm 1954, ông làm chỉ huy các tổ chiến đấu của Tiểu đoàn Quyết tử 950 Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn.
Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, ông Trần Văn Lai được Đảng giao nhiệm vụ ở lại Sài Gòn hoạt động như một cán bộ nằm vùng. Ông lập ra Nghiệp đoàn Xây dựng Mai Hồng Quế, chuyên thầu những công trình xây dựng lớn của chính quyền Sài Gòn, bao gồm cả Dinh Độc Lập.
Năm 1962, ông cùng đồng đội âm thầm xây dựng hàng chục hầm bí mật trong nội đô Sài Gòn để chứa vũ khí và che giấu cán bộ, phục vụ cho các cuộc tiến công chấn động toàn cầu vào dịp Tết Mậu Thân 1968. Những cuộc tiến công của lực lượng Biệt động Sài Gòn đã khiến quân Mỹ phải chuyển chiến lược chiến tranh tại Việt Nam từ “Tìm và Diệt” sang “Quét và Giữ”, góp phần dẫn đến Hiệp định Paris năm 1973…
Ông Trần Văn Lai mất năm 2002. Lúc đó, nhiều người mới biết đến những chiến công lẫy lừng mà ông và đồng đội đã lập nên. Năm 2015, ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Đừng để quá khứ bị lãng quên
“Ngày thống nhất 30-4-1975, tôi thấy người tôi vẫn gọi bằng bác lần đầu tiên mặc bộ quân phục Quân Giải phóng treo lá cờ đỏ sao vàng trước cửa nhà tôi. Sau này tôi mới biết ông ấy là ba tôi, vì bí mật công tác nên không lộ diện. Đến năm 1979, anh em tôi mới làm khai sinh với tên của ba. Càng tìm hiểu, tôi càng ngưỡng mộ những việc mà ba và hàng nghìn đồng đội đã làm, nên nung nấu ước mơ phục dựng được những căn cứ của Biệt động Sài Gòn năm xưa, để nhiều người cùng biết”, anh Bình kể.
Miệt mài tìm hiểu, gạn hỏi, chắp ghép những thông tin nhỏ giọt từ người cha và các đồng đội của ông, vốn không muốn nói nhiều về những việc mình đã làm, anh Bình dần có được bức tranh ngày càng đầy đủ, chi tiết về những địa điểm mà lực lượng Biệt động Sài Gòn đã dầy công gây dựng từ đầu những năm 1960.
Lần lượt, các di tích được anh Bình mua gom, sửa chữa và tạo dựng ra mắt công chúng: Bảo tàng Tình báo - Biệt động Sài Gòn - Gia Định. Hộp thư bí mật và hầm nổi của Biệt động Sài Gòn. Quán Gió lộng Biệt động Sài Gòn. Hầm chứa vũ khí bí mật. Garage Citroen Biệt động Sài Gòn. Biệt thự thi công nội thất Dinh Độc Lập với hệ thống hầm ngầm bí mật chứa vũ khí và nuôi giấu cán bộ. Hiệu vàng Phú Xuân - Vĩnh Xuân...
“Ban đầu, ai cũng nghĩ tôi không bình thường, vì gom hết tiền của gia đình để mua nhà và phục dựng di tích, chứ không phải buôn bất động sản. Vợ và các anh em ruột của tôi từng cãi nhau rất căng thẳng về chuyện này. Hình như các chú, các bác Biệt động Sài Gòn đã hy sinh thấu hiểu tâm nguyện của tôi nên phù hộ để tôi có thể làm được từng ấy việc trong gần 30 năm qua”, anh Bình tâm sự.
Ngày nay, hệ thống điểm di tích, bảo tàng về Biệt động Sài Gòn đã trở thành những điểm đến để khám phá của du khách trong và ngoài nước; là nơi ôn lại lịch sử và giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Nhiều điểm di tích đã được công nhận là Di tích Cách mạng và Di tích Lịch sử cấp quốc gia. Các điểm di tích cũng đã đón tiếp nhiều đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước đến thăm… Đó là những nguồn động viên to lớn để anh Trần Vũ Bình và gia đình tiếp tục hiện thực hóa ước mơ phục dựng “nhiều nhất có thể” những di tích xưa ghi dấu Biệt động Sài Gòn.
“Giờ đất nước ta có hòa bình, thống nhất. Để có điều này, biết bao thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương, anh dũng hy sinh giành tự do, độc lập. Tôi muốn thế hệ trẻ biết rõ điều đó để trân trọng quá khứ và sống tốt, sống có ích trong tương lai. Cái giá cho hòa bình rất lớn. Quá khứ không được lãng quên”, anh Bình nói.