“Bệ đỡ” giúp nông dân làm giàu
Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:16, 03/05/2023
Hỗ trợ nguồn vốn kịp thời
Được vay vốn 500 triệu đồng từ Quỹ Khuyến nông Hà Nội, gia đình ông Nguyễn Huy Lưỡng ở xã Nghĩa Hương (huyện Quốc Oai) đã đầu tư cải tạo vườn tạp, trồng hơn 300 gốc bưởi Diễn và đầu tư chuồng trại nuôi khoảng 6.000 con gà đẻ trứng, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Theo ông Nguyễn Huy Lưỡng, vay vốn từ Quỹ Khuyến nông Hà Nội không chỉ lãi suất thấp (0,5%/tháng), chu kỳ vay tới 24 tháng, mà các hộ nông dân như gia đình ông còn được cán bộ khuyến nông giúp đỡ tận tình trong quá trình hoàn thiện thủ tục vay, giải ngân...
Còn theo bà Phùng Thị Thu Hằng ở xã Phú Châu (huyện Ba Vì), những năm qua, chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, trong khi đầu ra của sản phẩm lại bấp bênh. Tuy nhiên, nhờ có nguồn vốn vay 500 triệu đồng từ Quỹ Khuyến nông Hà Nội, gia đình bà đã mua thêm con giống, thức ăn và mở rộng quy mô chuồng trại.
Về hiệu quả của Quỹ Khuyến nông, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Đỗ Thị Kim Dung cho biết, Quỹ Khuyến nông Hà Nội đã giúp cho các hộ trên địa bàn huyện mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tổ chức sản xuất quy mô lớn, sử dụng vốn vay đúng mục đích. Nhờ có nguồn vốn này, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu, góp phần phát triển kinh tế, thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Mặt khác, Quỹ Khuyến nông Hà Nội đã góp phần làm giảm thiểu việc cho vay nặng lãi ở nông thôn, giúp ổn định an ninh, trật tự ở các vùng quê.
Nói rõ hơn về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương thông tin, Quỹ Khuyến nông Hà Nội thường dành từ 15% đến 20% tổng nguồn vốn giải ngân trong năm để ưu tiên hỗ trợ cho vay những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo quy hoạch của địa phương. Trong quý I-2023, Quỹ đã và đang tiếp nhận, rà soát hồ sơ vay vốn của các huyện, thị xã của Thủ đô để thẩm định; đồng thời giải ngân cho 8 hồ sơ vay vốn từ năm 2022 chuyển sang, với số tiền hơn 2,8 tỷ đồng...
“Qua kiểm tra cho thấy, thu nhập của các mô hình vay vốn từ Quỹ Khuyến nông Hà Nội đạt khoảng 300-400 triệu đồng/ ha/năm, nhiều mô hình đạt 400-500 triệu đồng/ha/năm, thậm chí có những mô hình đạt doanh thu lên tới 1 tỷ đồng/ha/năm”, bà Vũ Thị Hương cho hay.
Nâng cao hiệu quả hoạt động
Theo Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Ba Vì Phan Thị Xuân Hương, để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của Quỹ Khuyến nông Hà Nội, đồng thời sử dụng vốn đúng mục đích và tránh rủi ro, thất thoát vốn ở mức thấp nhất, Trạm Khuyến nông Ba Vì tiếp tục xây dựng kế hoạch hoạt động chi tiết trình Trung tâm Khuyến nông Hà Nội phê duyệt. Bên cạnh đó, mỗi năm, Trạm Khuyến nông Ba Vì tổ chức từ 2 đến 3 đợt kiểm tra, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các hộ vay vốn trên địa bàn huyện. Nếu việc sử dụng vốn vay không đúng mục đích sẽ bị thu hồi vốn vay trước thời hạn và những hộ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thiên tai, gặp khó khăn sẽ được xem xét gia hạn trả nợ.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, trong thời gian tới, Quỹ Khuyến nông Hà Nội tiếp tục sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất và sẽ ưu tiên hỗ trợ các mô hình ứng dụng công nghệ cao. Cùng với đó, phát triển và nhân rộng những mô hình sản xuất nông nghiệp chuyên canh quy mô lớn, các chuỗi liên kết sản xuất, mô hình chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch… tạo nhiều sản phẩm chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm cung ứng cho người dân Thủ đô và hướng tới xuất khẩu.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho rằng, để nâng cao hoạt động của Quỹ Khuyến nông Hà Nội, các đơn vị của ngành Nông nghiệp Thủ đô cần phối hợp với chính quyền địa phương tập trung khảo sát nhu cầu vay vốn đối với các vùng sản xuất tập trung, vay vốn mua máy móc, thiết bị phục vụ cơ giới hóa trong sản xuất... Đồng thời, tiến hành thẩm định và giải ngân kịp thời, đáp ứng nhu cầu vốn phát triển sản xuất của các hộ nông dân.
“Cần tập huấn cho nông dân để họ tiếp cận, nắm bắt tiến bộ khoa học, nâng cao trình độ tay nghề trong quản lý, sản xuất. Mặt khác, tổ chức đào tạo, nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác khuyến nông, bảo đảm nắm rõ cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cách thức quản lý quỹ và tổ chức chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới cho nông dân”, ông Nguyễn Mạnh Phương nói thêm.