Quan trọng là độc lập trong suy nghĩ, ứng xử
Đời sống - Ngày đăng : 18:26, 01/05/2023
- Thưa thạc sĩ Nguyễn Thị Hải Yến, những năm gần đây, xã hội Việt Nam ghi nhận xu hướng sống độc lập trước khi kết hôn của nhiều bạn trẻ. Bà đánh giá như thế nào về vấn đề này?
- Tôi cho rằng, đây là một xu thế đáng mừng. Kèm theo xu hướng "ra riêng" sớm của các bạn trẻ, chúng ta ghi nhận một xu hướng khác, đó là xu hướng dạy con tự lập từ nhỏ ở nhiều gia đình Việt hiện nay.
Nhìn chung, cha mẹ nên tạo điều kiện và tôn trọng mong muốn ấy của con mình bởi khi sống tự lập, các bạn trẻ sẽ có cơ hội phát triển, tự quyết định hướng đi, sự nghiệp cũng như các vấn đề trong cuộc sống và qua đó, các con sẽ nhanh chóng trưởng thành.
Tuy nhiên, để bước vào cuộc sống độc lập, các bạn trẻ phải trang bị cho mình rất nhiều kỹ năng. Đầu tiên và quan trọng nhất là kỹ năng làm chủ bản thân, tiếp đó là kỹ năng thích ứng với sự thay đổi về môi trường và điều kiện sống. Bên cạnh đó là kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng quản lý tài chính, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng lập kế hoạch. Cần chú trọng rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử bởi kỹ năng này liên quan trực tiếp đến thái độ ứng xử với chính người thân trong gia đình... Trang bị đầy đủ các kỹ năng đó, các bạn trẻ mới có thể vững vàng, bản lĩnh để có thể sống tốt cuộc sống độc lập.
- Theo bà, xu hướng muốn tách khỏi gia đình, sống độc lập xuất phát từ nguyên nhân nào?
- Có rất nhiều nguyên nhân, cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Nguyên nhân chủ quan là ngay từ nhỏ các bạn trẻ đã được gia đình khuyến khích sống tự lập. Đến tuổi trưởng thành, họ thể hiện được sự độc lập trong học tập cũng như trong xác lập mối quan hệ với bạn bè, hoặc trong cách quản lý tài chính, chi tiêu... Với đối tượng này, đa phần sau khi tốt nghiệp đại học hoặc tìm được việc làm ổn định, có thu nhập là họ muốn tách khỏi gia đình. Tiếp đó, phải nhìn nhận rằng đây là xu thế chung của giới trẻ; hầu hết các bạn trẻ thường thích tự quyết định cuộc sống của mình, từ việc học tập, hướng nghiệp đến chọn nghề, xây dựng các quan hệ riêng tư... Bên cạnh đó, lựa chọn này cũng có nguyên nhân từ sự ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, nhất là đối với các bạn trẻ đã từng đi du học, sớm tiếp cận và lĩnh hội được tinh thần tự lập và các kỹ năng quản lý bản thân, chủ động rèn luyện các kỹ năng xã hội khác...
- Yêu thương, sẻ chia là một trong những giá trị cốt lõi của gia đình Việt Nam. Theo bà, người trẻ nên ứng xử như thế nào để "những cuộc ra riêng" vẫn thỏa mãn nhu cầu sống độc lập mà không làm mất đi mối dây kết nối với gia đình?
- Đầu tiên, các bạn trẻ cần tự chủ được cuộc sống của mình. Bởi khi mình ổn định cuộc sống riêng thì cha mẹ không còn phải lo lắng cho mình nhiều nữa. Bên cạnh đó là cách ứng xử. Sống độc lập thực ra cũng là cơ hội để các bạn trẻ thể hiện sự quan tâm dành cho người thân trong gia đình của mình, đặc biệt là cha mẹ. Tuy dọn ra ở riêng rồi, thậm chí là ở xa gia đình nhưng hằng ngày, hằng tuần họ vẫn có thể gọi điện hỏi thăm bố mẹ, một tháng đôi lần rẽ qua nhà ăn cơm cùng bố mẹ, cuối tuần về thăm, vào bếp nấu nướng giúp bố mẹ hoặc ở lại chơi với bố mẹ 1 - 2 hôm... Tôi nghĩ, đó cũng là cách lưu giữ sợi dây gắn kết gia đình và xóa nhòa khoảng cách về địa lý.
- Về phía cha mẹ, bà có lời khuyên gì để họ tiếp nhận thực tế này và vượt qua định kiến xã hội về việc con cái không ở với cha mẹ?
- “Trẻ cậy cha, già cậy con”, đó là quan điểm hết sức bình thường của đa số người Việt Nam. Không thể phủ nhận một thực tế là, khi con ra ở riêng thì ngoài việc lo cho con, nhiều bậc phụ huynh cũng lo cho chính bản thân mình khi về già, lúc ốm yếu không có con cái ở bên cạnh đỡ đần, chăm sóc.
Tuy nhiên, nếu các bậc cha mẹ mong muốn con tự chủ, vững vàng hơn trong cuộc sống thì nên tôn trọng mong muốn của con bởi con không thể ở mãi bên mình được. Các bậc phụ huynh cần nhìn nhận rằng, khi con sống tự lập nghĩa là con đang trên con đường trang bị những kỹ năng cần thiết để không vấp ngã trong cuộc sống gia đình sau này, nên hãy khuyến khích và tạo điều kiện cho con.
Sự trống trải, hụt hẫng, lo lắng khi con “rời tổ” là một trạng thái tâm lý cần được ghi nhận. Để cân bằng tâm lý, khỏa lấp sự trống trải trong thời gian đầu con xa nhà, tôi nghĩ các bậc cha mẹ cần một khoảng thời gian nhất định để thích nghi. Trong khoảng thời gian đó, người làm cha mẹ hãy dành thời gian cho nhau, tự chăm sóc bản thân, đăng ký tham gia các khóa học yoga, thể dục dưỡng sinh, học đàn, làm bánh, dành thời gian đi du lịch, chủ động đến thăm con, tham gia các hội, đoàn thể... Hãy tự “làm đầy tổ” của mình bằng tình yêu dành cho vợ hoặc chồng, dành thời gian cho bản thân mình và các mối quan hệ bạn bè, họ hàng...
- Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh, tỷ lệ người già sống phụ thuộc vào con cái khá cao. Vậy thì theo bà, xu hướng sớm “rời tổ” có ảnh hưởng đến nếp văn hóa của người Việt?
- Tôi đánh giá đây là xu thế chung và việc giới trẻ muốn sống độc lập không có gì trái với văn hóa truyền thống của người Việt nếu chúng ta vẫn duy trì được sợi dây kết nối giữa cha mẹ và con cái, những giá trị như lòng biết ơn, sự kính trọng, lễ phép, đức hy sinh, tình thương, lòng hiếu thảo, đạo “kính trên nhường dưới”... vẫn được giữ gìn. Tuy nhiên, với những gia đình mà bố mẹ sống phụ thuộc vào con cái, việc các con tách khỏi gia đình để sống riêng cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Với những gia đình như vậy, con cái nếu muốn vẫn có thể sống độc lập nếu họ có thu nhập ổn định để vừa đảm bảo đời sống cá nhân như họ mong muốn, vừa có điều kiện chăm sóc cha mẹ. Tuy nhiên, nếu chưa chuẩn bị kỹ điều kiện về tài chính thì không nhất thiết phải "ra riêng". Hãy nhớ rằng, sống độc lập không có nghĩa là phải chuyển ra ngoài, các bạn trẻ vẫn có thể thể hiện sự độc lập, tự chủ của mình khi sống cùng cha mẹ. Đó là khi họ độc lập trong suy nghĩ, trong cách sống, trong công việc, trong việc tạo dựng, duy trì các mối quan hệ..., và đặc biệt là không dựa dẫm vào cha mẹ.
- Xin trân trọng cảm ơn bà!