Một nhà văn áo lính đa tài và quả cảm
Văn hóa - Ngày đăng : 19:37, 30/04/2023
"Theo tôi, chiến tranh đâu đơn giản là ra trận hai bên bắn nhau. Nếu chỉ viết "ta thắng địch thua" là chính ta làm giảm ý nghĩa chiến thắng của ta. Tôi nghĩ đến hôm nay viết về chiến tranh phải đúng gương mặt của chiến tranh” - nhà văn Văn Lê nói. Và khi được hỏi về tác phẩm mới nhất của ông ("Mùa hè giá buốt?", thời điểm cuối tháng 7-2008), Văn Lê trả lời: “Đây là tác phẩm tôi viết về số phận một đơn vị sau 100 ngày chiến đấu trong thành phố trong chiến dịch Mậu Thân 1968… Trong tác phẩm có một mối tình đẹp giữa cô giao liên với người tiểu đoàn trưởng, có cả kẻ hèn nhát, người dũng cảm, tốt - xấu, những dằn vặt, ưu tư trước sự sống - chết, đan xen nhau trong hoàn cảnh khốc liệt...”.
Tôi đọc một lèo “Mùa hè giá buốt” và cắt nghĩa được một phần vì sao tiểu thuyết này lại “ăn” giải kép: Giải B về văn học chiến tranh 5 năm (không có giải A) của Bộ Quốc phòng năm 2009, giải nhất Giải thưởng văn học nghệ thuật TP Hồ Chí Minh 2006 - 2011.
Trước khi qua đời, Văn Lê đã in 5 tập thơ và 2 trong số đó đã đoạt giải thưởng: “Phải lòng” - Giải A về thơ về đề tài chiến tranh cách mạng Hội Nhà văn năm 1994; “Những cánh đồng dưới lửa” - Giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng năm 1999. Trước đó, Văn Lê đã đoạt Giải A trong cuộc thi thơ của báo Văn nghệ 1975 - 1976 cùng với Hữu Thỉnh và Anh Ngọc; Giải B trong cuộc thi thơ của tạp chí Văn nghệ năm 1984.
Năm 2014, trong một nhận xét về thơ chống Mỹ, tôi đã viết: “Khi cuộc chiến đi qua, thời gian đủ làm lắng lại những người còn, những người mất, những gì còn, những gì mất của thơ thời kỳ chống Mỹ - cái thời mà việc đánh giặc giữ nước, đánh giặc giải phóng dân tộc được coi là nhiệm vụ và cũng là hiện thực trung tâm, hiện thực lớn. Rồi nhiệm vụ ấy, hiện thực ấy đã trở thành một cái trụ lớn để người làm thơ thời ấy bám vào, dựa vào”.
Theo tôi, cái trụ lớn ấy chính là sức mạnh tinh thần của một dân tộc mang lý tưởng: Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mà lý tưởng ấy được bộc lộ rất rõ trong hai câu thơ của Tố Hữu: "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai".
Đến cuộc thi thơ 1975 - 1976 (sau khi kết thúc cuộc chiến), thơ chống Mỹ cũng ít nhiều có khác. Trong “Nếu nỗi nhớ của tôi”, Văn Lê trăn trở với nỗi nhớ đồng đội, và ông gần như không ngủ được với “Tiếng gọi bò” trong vòng vây thép gai ở vùng ven. Có một nỗi niềm, sự chia sẻ nhân bản nào đó chợt thao thức trong lòng người lính: “Đồn giặc rất xa, gió không mang tới/ Con bò của mẹ giữa vòng gai/ Tiếng gọi bò ở hai đầu đêm nay/ Cứ vần súng và ta trằn trọc...”.
Văn Lê đến với thơ từ năm 1968. Một lần, ở chiến trường, sau khi đánh giặc xong, chợt nghe tiếng sáo, ông đã viết bài thơ “Tiếng sáo”. Với ông, “Tiếng sáo” là khoảnh khắc thanh bình trong bom đạn, là kỷ niệm máu thịt một thời và là bước khởi đầu đáng nhớ. Ngoài sáng tác, Văn Lê còn làm nhiều việc liên quan đến thơ: Phê bình thơ, viết đọc sách thơ và viết lời giới thiệu một số tập thơ.
Văn Lê tên thật là Lê Chí Thụy, người gốc Gia Viễn, Ninh Bình. Ông có 14 năm quân ngũ, có một thời gian đáng kể chiến đấu ở chiến trường K. (Campuchia) và nói được tiếng Khmer. Có lẽ vì thế mà ông rất giàu vốn sống và giàu trải nghiệm về chiến tranh. Ngoài vài chục đầu sách về thơ và văn xuôi, ông còn viết nhiều kịch bản điện ảnh và làm đạo diễn phim tài liệu...
Về giải thưởng, ngoài mấy giải thưởng kể trên, ông còn có tặng thưởng Văn học Bộ Quốc phòng năm 1994, Giải thưởng Văn học quốc tế Mê Kông năm 2006 và Giải nhất về phim truyện nhựa “Long Thành cầm giả ca” với tư cách là tác giả kịch bản. Ngoài ra, ông còn có hàng chục tác phẩm được chuyển ngữ và giới thiệu ở Mỹ, Hàn Quốc.
Văn Lê là nhà văn đa tài, đi nhiều, viết khỏe. Khai thác những đề tài góc cạnh, khốc liệt là sự lựa chọn và cách viết của ông, đặc biệt là trong văn xuôi. Đó cũng là cá tính của một người được chuyển hóa thành cá tính của ngòi bút.