Hà Nội: Hơn 60% số vụ cháy, sự cố, tai nạn được phát hiện xử lý kịp thời

Đời sống - Ngày đăng : 10:12, 30/04/2023

(HNMO) - UBND thành phố Hà Nội vừa có Báo cáo số 126/BC-UBND về việc thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2020-2022.

Ảnh minh họa.

Căn cứ Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội, thời gian qua, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã ban hành, triển khai kịp thời các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, trong đó có nhiều văn bản mang tính chiến lược và lâu dài, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, tạo được bước chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của người dân, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cơ sở trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Do đó, tình hình cháy, nổ trong những năm vừa qua cơ bản được kiềm chế, kiểm soát.

Trong 3 tháng đầu năm 2023, đã giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ (giảm số vụ, thiệt hại về người và thiệt hại về tài sản). Đặc biệt, trong 3 tháng đầu năm 2023, đã không để xảy ra các vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người.

Đáng chú ý, công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có bước đổi mới, hướng tới nội dung thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế, qua đó tác động tích cực đến ý thức chấp hành pháp luật về phòng cháy, chữa cháy của đơn vị, cơ sở và quần chúng nhân dân. Hơn 60% số vụ cháy, sự cố, tai nạn đã được lực lượng cơ sở, quần chúng nhân dân phát hiện xử lý kịp thời ngay khi mới phát sinh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn thành phố còn một số hạn chế, bất cập. Trong đó, Hà Nội là một trong những thành phố có số lượng cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy nhiều nhất cả nước, với 150.781 cơ sở. Trong khi đó, công tác quy hoạch hạ tầng phục vụ công tác chữa cháy chưa đáp ứng yêu cầu; công tác xử lý vi phạm về phòng cháy, chữa cháy còn gặp nhiều khó khăn; chế tài xử phạt đối với một số hành vi vi phạm còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe dẫn đến các vi phạm về phòng cháy, chữa cháy kéo dài, chưa được xử lý, giải quyết triệt để...

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội, thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó vai trò nòng cốt là lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Trong công tác phòng cháy, chữa cháy, lấy phòng ngừa là chính. Đồng thời, chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, kiến thức về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ bảo đảm sâu, rộng đến các cơ quan, đơn vị, người dân nhằm nâng cao tự giác, coi việc phòng cháy, chữa cháy là trách nhiệm, quyền lợi của mỗi người dân.

Song song đó, thành phố quan tâm xây dựng lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo hướng chính quy, tinh nhuệ, tiến thẳng lên hiện đại, nắm vững pháp luật, tinh thông nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo kịp với tốc độ phát triển của Thủ đô…

Từ ngày 15-12-2019 đến 14-12-2022, trên địa bàn thành phố xảy ra 1.152 vụ cháy. Ngoài ra, còn có 1.483 vụ chập điện trên cột, 2.567 sự cố (chập điện trong nhà; cháy rác, phế liệu...). So với cùng kỳ 3 năm trước (2017-2019), số vụ cháy giảm 1.036 vụ (giảm 47,3% số vụ); giảm 10 người chết (giảm 19,6% số người chết), giảm 4 người bị thương (giảm 5,8% số người bị thương), thiệt hại về tài sản giảm 826,5 tỷ đồng (giảm 91,5%).

Thúy Nga