Đạo diễn, Nghệ sĩ ưu tú Phạm Việt Tùng: Sự thật là điều tối thượng
Văn hóa - Ngày đăng : 07:04, 30/04/2023
- Thưa đạo diễn Phạm Việt Tùng, là nhà quay phim trong chiến tranh, với “vũ khí” là chiếc máy quay, có lẽ mỗi bước chân qua chiến trường luôn để lại trong ông nhiều kỷ niệm khó quên?
- Tôi vẫn nhớ năm 1975, cả Đài Tiếng nói Việt Nam có 3 đoàn phóng viên, biên tập viên vào miền Nam. Tôi đi với anh Huỳnh Văn Tiểng - Phó Tổng Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam - theo đường 1 vào Nam. Lúc ấy, chúng tôi đi mà không biết ngày về, cũng chẳng biết sống chết thế nào…, nhưng ai cũng tự hào “mình là con cháu Cụ Hồ”, đã quyết tâm đi thì phải làm được một cái gì đó. Trên đường vào Nam, hai bên vẫn còn đánh nhau. Chúng tôi đi ngày đi đêm, quân giặc đánh phá các cây cầu nên phải đi vòng dưới vực, xong lại lấy đá chèn để xe vượt lên. Bom đạn ác liệt, làm gì có nhà ở trên mặt đất, chúng tôi phải ngủ hầm. Đoàn có nhiều biên tập, quay phim lại ít, nhiệm vụ của chúng tôi là ghi lại hình ảnh, sự thật.
- “Người lính xe tăng 390 ngày ấy” và “Chuyện thật trưa 30-4-1975” là hai bộ phim tài liệu ghi dấu ấn sự nghiệp của đạo diễn Phạm Việt Tùng. Khi phát hiện ra có người tự nhận chính mình đã soạn bản thảo cho ông Dương Văn Minh vào trưa 30-4-1975, bỏ qua hoàn toàn vai trò của Đại tá, Chính ủy Bùi Văn Tùng - Lữ đoàn xe tăng 203, NSƯT Phạm Việt Tùng đã mất 46 năm để theo đuổi việc trả lại đúng sự thật. Tại sao lại mất nhiều thời gian như vậy?
- Khi thấy chuyện “ăn gian” thì chúng tôi phải “găm” nó lại, cùng bàn với nhau bởi làm phim cần sự góp sức của cả tập thể chứ không phải một mình tôi. Tôi có sự giúp sức của nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà sử học Dương Trung Quốc, PGS.TS, nhà báo Nguyễn Thế Kỷ (nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam)… Tôi muốn nói rằng: Đây là lịch sử của dân tộc Việt Nam chứ không phải câu chuyện của riêng tôi. Tôi vẫn luôn tin rằng con người ta luôn sống có lý tưởng, lịch sử cũng chỉ có một nên trước sau cũng sẽ được bộc lộ. Vì mình là người chứng kiến thời khắc đó nên việc tìm lại tư liệu, dẫn chứng sẽ dễ dàng hơn là để sau này con cháu mình làm.
- Ông đã tìm lại sự thật như thế nào?
- Để hoàn thiện bộ phim “Chuyện thật trưa 30-4-1975”, chúng tôi đã phải lọc từ rất nhiều tư liệu mới ra được 70 phút phim. Tôi lấy các thước phim của bạn bè, đồng nghiệp và xem đi xem lại, chỉ ra chỗ nào đúng, chỗ nào chưa đúng. Ví dụ như trước khi xuất quân, Thượng tướng Nguyễn Hữu An đã trao cờ cho lính xe tăng như thế nào? Hình ảnh đó do anh Lưu Xuân Thư quay. Tôi quyết tâm tìm lại hình ảnh gốc, tìm hiểu xem là ai quay. Tôi cũng căn cứ vào bộ sách “Lịch sử Nam Bộ kháng chiến” (4 tập), tìm ra những chi tiết để đối chiếu, so sánh.
- Sau này ông còn quay phim tại chiến trường biên giới phía Bắc?
- Nói vui như các đồng nghiệp ở Đài Tiếng nói Việt Nam thì tôi là người tránh bom đạn giỏi nên được phân công lên Cao Bằng tác nghiệp trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979. Tôi băng rừng, từ Tài Hồ Sìn sang Đông Khê, Thất Khê. Trời thì lạnh, mưa phùn, vắt rừng nhiều vô kể. Đói, khát, may lúc đó tôi còn có anh phụ quay đi cùng. Ba lô phim phải giữ gìn cẩn thận, không để cho bị ẩm. Sau đó, tôi lại được cử ra Ải Nam Quan. Chúng tôi đói nhưng vẫn nín thở để quay phim.
- Ông có bị ám ảnh bởi những điều mà mình đã trải qua trong chiến tranh?
- Không! Những người quay phim như chúng tôi tự hào vì mình có đóng góp nho nhỏ với cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Đôi lúc chúng tôi cũng “giận hờn” vì có những người trở về sau cuộc chiến không được đền đáp xứng đáng. Chịu đựng gian khổ để đánh giặc, bảo vệ Tổ quốc là việc đáng làm. Nhưng khi trở về, cuộc sống khó khăn, người ta không biết dựa vào đâu.
- Cuộc chiến đã đi qua nhưng khi xem lại những thước phim tư liệu, những câu chuyện mà mình được chứng kiến, ông còn ấp ủ đề tài nào về chiến tranh?
- Tôi muốn kể câu chuyện về một người phụ nữ - chị Nhàn (Đông Anh, Hà Nội), hiện vẫn còn sống. Cuộc đời của chị bất hạnh khi lấy chồng chưa được bao lâu, chưa kịp biết đời sống tình cảm vợ chồng như thế nào thì anh mất do bom B52. Cách đây 25 năm, tôi được gặp chị và nghe câu chuyện rất đau thương ấy, bản thân nó đã là lời lên án chiến tranh thuyết phục nhất, không cần phải kể thêm bom đạn hay ta thắng địch thua…
- Trân trọng cảm ơn đạo diễn, NSƯT Phạm Việt Tùng!
Đạo diễn Phạm Việt Tùng thuộc lớp học trò đầu tiên của điện ảnh cách mạng nước nhà, được học với các thầy như NSƯT Khương Mễ, NSND Khánh Dư, NSƯT Mai Lộc, Lã Quốc Khánh, Nông Ích Khôn... Không lâu sau, Phạm Việt Tùng trở thành một nhà quay phim chuyên nghiệp của Ban Vô tuyến truyền hình (Đài Tiếng nói Việt Nam).