Xử lý 1.383 vụ buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại
Kinh tế - Ngày đăng : 17:18, 29/04/2023
Theo Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội, Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389/TP Hà Nội, trong tháng 4, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn thành phố vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp. Các mặt hàng buôn lậu chủ yếu là hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân như thuốc lá, bánh kẹo, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ gia dụng... Việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng trong các lĩnh vực như hàng dệt may, da giày, điện tử, đồ gia dụng vẫn diễn ra với nhiều thủ đoạn và phương thức khác nhau.
Tình hình sản xuất, vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng là lương thực, thực phẩm, gia súc, gia cầm, trái cây không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.
Đặc biệt tháng 4 là “Tháng vì hành động an toàn thực phẩm” với chủ đề “Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”. Do vậy, các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389/TP Hà Nội đã tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý một số vụ vi phạm.
Điển hình, ngày 18-4, Công an quận Cầu Giấy phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông số 6, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội), trong quá trình làm nhiệm vụ, phát hiện xe tải biển kiểm soát 24H-018.xx đang lưu thông tại ngã tư Trần Duy Hưng - Phạm Hùng - Đại lộ Thăng Long - Khuất Duy Tiến có biểu hiện nghi vấn, nên đã yêu cầu dừng xe kiểm tra.
Tổ công tác sau đó đề nghị Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp điều tra, xác minh. Qua kiểm đếm, bên trong 20 thùng carton là 900 gói xúc xích và 5.400 gói cánh gà ăn liền. Tất cả số thực phẩm này đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc. Trên bao bì sản phẩm đều in chữ nước ngoài, nhưng không có tem nhãn phụ tiếng Việt, thậm chí không có hạn sử dụng.
Công an quận Cầu Giấy khẳng định, thời gian tới, Công an quận sẽ phối hợp cùng lực lượng chức năng tiếp tục kiểm tra cửa hàng bày bán tại các cổng trường học, nếu phát hiện sản phẩm tương tự sẽ xử lý, nhằm bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng, đặc biệt là học sinh, sinh viên.
Theo ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, trong tháng 4, lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389/TP Hà Nội tiếp tục tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng hàng không quốc tế, trên các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử.
Cục Quản lý thị trường Hà Nội - với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389/TP Hà Nội đã chủ động tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo 389/TP Hà Nội các giải pháp đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn; theo dõi, đôn đốc các sở, ngành thành viên và Ban Chỉ đạo 389 quận, huyện, thị xã đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Cục đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường đấu tranh, phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Riêng trong tháng 4, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra 496 vụ, xử lý 413 vụ. Xử phạt vi phạm hành chính 4,7 tỷ đồng; trị giá hàng vi phạm 3,6 tỷ đồng.
Để tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong những tháng tiếp theo, Ban Chỉ đạo 389/TP yêu cầu các lực lượng chức năng trên địa bàn tích cực, nghiêm túc triển khai chỉ đạo của cấp trên, phối hợp tốt giữa các lực lượng trên địa bàn thành phố trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng vi phạm an toàn thực phẩm...
Các đơn vị tiếp tục làm tốt điều tra cơ bản, nắm tình hình thị trường; chủ động xây dựng và thực hiện các biện pháp để đấu tranh đối với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tập trung vào các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, tạo sự chuyển biến mạnh trong phòng ngừa các vi phạm gây bất ổn cho thị trường, trong đó tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm.
Đồng thời, các đơn vị tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng trên địa bàn thành phố.