Văn hóa

Bài 3: Biến di sản thành tài sản

Hoàng Quyên 29/04/2023 09:39

(HNMO) - Ngoài hai di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh, Phú Thọ cũng là vùng đất có nhiều di tích, lịch sử, nhiều lễ hội dân gian hấp dẫn cũng như các khu trải nghiệm cộng đồng. Đó là nguồn tài nguyên lớn để Phú Thọ đẩy mạnh phát triển du lịch, biến di sản thành tài sản, trở thành trung tâm du lịch vùng trung du phía Bắc. Phát huy giá trị di sản trong đời sống hiện đại, đó chính là bài toán mà tỉnh Phú Thọ cũng như nhiều địa phương khác đang sở hữu nguồn tài nguyên di sản phong phú trăn trở lâu nay.

Năm nào cũng vậy, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng thu hút lượng lớn du khách thập phương về dự. Vào ngày chính Giỗ, nhiều nơi tại thành phố Việt Trì (Phú Thọ) rơi vào tình trạng quá tải.

Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng Lê Trường Giang thừa nhận: Lượng khách đến Khu di tích lịch sử Đền Hùng mỗi năm thường vào khoảng 2-4 triệu lượt, tập trung chủ yếu vào 3 tháng đầu năm, đặc biệt là trong khoảng thời gian diễn ra Lễ hội Đền Hùng. 9 tháng còn lại, lượng khách đến Đền Hùng “nhỏ giọt”, không đều.

Mang tâm tư này trao đổi với lãnh đạo tỉnh Phú Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hồ Đại Dũng trầm ngâm nói, đây là nỗi trăn trở lớn của tỉnh trong nhiều năm qua.

“Cùng với nỗ lực bảo tồn, chính sách phát huy giá trị di sản hát xoan đã mang đến hiệu quả rõ rệt, vấn đề khiến chúng tôi trăn trở là làm thế nào để xoan và di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có thể thu hút du khách nhiều hơn, thúc đẩy họ tới thăm Phú Thọ vào tất cả các thời điểm trong năm. Kế hoạch đã có, nhưng không dễ thu hiệu quả như mong muốn trong một sớm một chiều", ông Hồ Đại Dũng nói.

Theo ông Hồ Đại Dũng, địa phương đang nỗ lực tuyên truyền về giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của Phú Thọ nói chung, về hai di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận, đồng thời khuyến khích nhân dân thay vì đi lễ vào một thời điểm thì có thể bày tỏ lòng tri ân với các bậc tiên tổ vào nhiều thời điểm khác trong năm, và tìm hiểu những nét văn hóa đặc sắc khác nữa ở Phú Thọ.

Thống kê từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cho thấy, hiện tỉnh này có 1.372 di tích văn hóa, lịch sử, nghệ thuật. Trong số đó có Di tích lịch sử Đền Hùng được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đặc biệt; 73 di tích được xếp hạng cấp quốc gia; 12 di tích lịch sử, 207 di tích kiến trúc nghệ thuật đã được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh.

Cùng với di sản văn hóa vật thể như hệ thống đình, chùa, đền, miếu và các di tích khảo cổ học, Phú Thọ còn có 260 lễ hội, trong đó có 223 lễ hội dân gian, 32 lễ hội lịch sử cách mạng, 5 lễ hội tôn giáo...

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ Nguyễn Đắc Thủy cho biết, với tài nguyên di sản lớn này, Phú Thọ được xác định là địa bàn trọng điểm trong vùng du lịch trung du, miền núi phía Bắc.

Năm 2019, tỉnh Phú Thọ đón và phục vụ 8,2 triệu lượt khách tham quan, 610.000 lượt khách lưu trú, trong đó có 7.800 lượt khách quốc tế lưu trú, công suất sử dụng phòng đạt 43%.

“Dịch Covid-19 khiến ngành Du lịch cả nước lao đao, du lịch Phú Thọ cũng gặp nhiều khó khăn. Trong gần 3 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lượng khách đến Phú Thọ không nhiều, chủ yếu là khách nội địa. Ngành Du lịch Phú Thọ đang nỗ lực chuyển mình, đổi mới sản phẩm, tăng cường liên kết với các địa phương khác để xây dựng tour, tuyến hấp dẫn, qua đó tăng lượng du khách tới Phú Thọ”, ông Nguyễn Đắc Thủy nói.

Hiện nay, tỉnh Phú Thọ đã có chủ trương phát triển du lịch bền vững dựa vào nền tảng văn hóa, di sản. Ngoài các tour mới ra mắt vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm nay, Phú Thọ đang triển khai thường xuyên các tour du lịch học đường.

Ý tưởng xây dựng sản phẩm mới tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã được nhen nhóm thực hiện từ năm 2021, khi Ban Quản lý di tích lịch sử Đền Hùng phối hợp với Hội lữ hành Hà Nội xây dựng và ra mắt tour đêm “Trở về cội nguồn – Linh thiêng Đất Tổ” vào tháng 4-2021.

“Tour đêm Đền Hùng là sản phẩm có tính đột phá với hy vọng có thể thu hút khách Hà Nội và các tỉnh lân cận về Đền Hùng. Tiếc là vừa ra mắt tour thì dịch Covid-19 bùng phát trở lại, việc tổ chức phải tạm dừng. Sau Lễ hội Đền Hùng năm nay, chúng tôi sẽ liên kết cùng Hội lữ hành Hà Nội khôi phục lại tour này”, Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng Lê Trường Giang chia sẻ.

Hiện nay, tỉnh Phú Thọ đã có chủ trương phát triển du lịch bền vững dựa vào nền tảng văn hóa, di sản. Ngoài các tour mới ra mắt vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm nay, Phú Thọ đang triển khai thường xuyên các tour du lịch học đường.

Hoạt động khám phá di sản văn hóa được đưa vào chương trình trải nghiệm cho học sinh không chỉ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, mà còn phát triển rộng tới học sinh các trường học trong cả nước.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã kết nối với Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố, các đơn vị lữ hành của Hà Nội như: Hanoitourist, Flamingo Redtours… để xây dựng và tổ chức tour giáo dục di sản “Hướng về nguồn cội” với nhiều hoạt động trải nghiệm phù hợp với học sinh các lứa tuổi.

Thông tin thêm về các chương trình liên kết, phát triển du lịch, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ Nguyễn Đắc Thủy cho biết, địa phương đã triển khai Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng với thành phố Hà Nội, tạo nhiều tuyến du lịch hấp dẫn nhằm thu hút du khách, như “Hành trình về nguồn,” “Du lịch liên kết - Vòng cung Tây Bắc,” “Tour du lịch hằng ngày Hà Nội - Phú Thọ”; chương trình du lịch quốc tế đường sông “Du lịch văn hóa di sản - trải nghiệm làng nghề”...

Để thu hút thêm dòng khách miền Nam, Phú Thọ đã liên kết với thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ, đón khách du lịch từ sân bay Nội Bài đến tham quan, lưu trú tại Phú Thọ.

Phú Thọ đã triển khai Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng với thành phố Hà Nội, tạo nhiều tuyến du lịch hấp dẫn nhằm thu hút du khách

Khẳng định thêm về chủ trương phát triển du lịch bền vững, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hồ Đại Dũng cho biết, Phú Thọ sẽ gắn việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là hai di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh là “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” và hát xoan với các tour, tuyến du lịch trải nghiệm văn hóa tâm linh vùng Đất Tổ.

Bên cạnh đó, tỉnh đã có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn phát triển sản phẩm du lịch mới, nâng cấp cơ sở vật chất tại các điểm đến du lịch - văn hóa, đào tạo nguồn nhân lực.

“Thời gian tới, Phú Thọ tiếp tục tăng cường xúc tiến, quảng bá, triển khai các chính sách kích cầu thu hút khách du lịch quốc tế và nội địa”, ông Hồ Đại Dũng thông tin.

Phú Thọ đang nỗ lực chuyển mình để phát huy giá trị di sản, văn hóa, phát triển du lịch, qua đó tạo thêm nguồn thu bền vững cho địa phương, mang lại lợi ích cho người dân. Quyết tâm và kế hoạch đã có, cần hành động ra sao để tài nguyên văn hóa thực sự  trở thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, đó là trách nhiệm, là mơ ước, là mục tiêu đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị và người dân. Đây cũng là bài toán chung cho các địa phương và ngành Du lịch cả nước.