Bài cuối: Phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu

Đời sống - Ngày đăng : 07:55, 29/04/2023

(HNM) - "Thành quả của Chương trình số 08-CTr/TU qua nửa chặng đường đã góp phần thực hiện chủ trương xuyên suốt của Đảng, Nhà nước và thành phố về mục tiêu an sinh, an dân, an toàn xã hội. Chúng ta cần phát huy các bài học kinh nghiệm quý, khắc phục mọi vướng mắc, phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình số 08-CTr/TU trong hành trình đến năm 2025” - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định.

Người lao động tham gia tuyển dụng trực tuyến tại phiên giao dịch việc làm huyện Thanh Oai. Ảnh: Thu Minh

Phát huy những bài học quý

Với nội dung “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô” giai đoạn 2021-2025, Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII khẳng định việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống nhân dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cũng là yêu cầu mang tính nguyên tắc để góp phần xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh, bền vững, bảo đảm tăng trưởng kinh tế đi đôi với trật tự, văn minh, tiến bộ và công bằng xã hội.

Có nhiều bài học quý đã được đúc kết qua nửa chặng đường của Chương trình số 08-CTr/TU. Thứ nhất, Ban Chỉ đạo đã hầu như hoàn tất toàn bộ hệ thống văn bản, chính sách, bao gồm các cơ chế chính sách đặc thù, làm cơ sở để triển khai thực thi trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, áp dụng cho cả nhiệm kỳ.

Thứ hai, thành phố luôn quan tâm, dành nguồn lực để thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách xã hội, góp phần bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy, từ năm 2021 đến 2023, kinh phí ngân sách cấp thành phố đã bố trí cho các đơn vị (bao gồm kinh phí bổ sung có mục tiêu cho các quận, huyện) là hơn 20.990 tỷ đồng. Ngoài nguồn ngân sách, thành phố còn tăng cường huy động các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa để hỗ trợ, thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách người có công, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19...

Thứ ba là việc tăng cường sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, chính quyền đối với việc phát triển hệ thống an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân; huy động được sự đồng thuận, tham gia hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc thực hiện các mục tiêu quan trọng này. Tất cả các sở, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền của 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô đều vào cuộc, đưa các nội dung của Chương trình số 08-CTr/TU vào các kế hoạch cụ thể của từng địa phương với nhiều cách làm hay, sáng tạo.

Các cuộc họp của Ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU, Giám đốc các sở, ban, ngành, bí thư, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã trực tiếp tham dự, khẳng định vai trò của người đứng đầu, chia sẻ kinh nghiệm, tham gia góp ý kiến cụ thể, thể hiện sự sâu sát, nắm chắc vấn đề và chủ động đề xuất phương hướng giải quyết vấn đề. Thực tế cho thấy tất cả hệ thống chính trị trên địa bàn đều thấm nhuần nội dung và nhận thức rõ ý nghĩa, giá trị của Chương trình số 08-CTr/TU trong công tác an sinh, an dân, an toàn xã hội.

Chăm lo nhiều hơn cho người dân

Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn chỉ đạo, phát huy kết quả tích cực qua nửa chặng đường, từ nay đến năm 2025, Ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU cần tập trung rà soát, đánh giá các chỉ tiêu, nhiệm vụ của chương trình đến hết nhiệm kỳ, nhất là các chỉ tiêu còn chậm, gặp nhiều khó khăn để tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ. Cùng với đó, phải tiếp tục nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách mới, chính sách đặc thù để người dân của Hà Nội được quan tâm, chăm lo với yêu cầu ở mức cao hơn, đối tượng mở rộng hơn so với trung ương, nhất là đối với người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người có hoàn cảnh khó khăn… Các chính sách cần bảo đảm tính đa dạng, toàn diện, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, góp phần bao phủ toàn diện lưới an sinh của Thủ đô...

Đặc biệt, cần tập trung phát triển hạ tầng làm cơ sở cho phát triển kinh tế - xã hội nâng cao chất lượng đời sống người dân; đồng thời, chỉ đạo, triển khai quyết liệt Nghị quyết số 02/NQ-HĐND của HĐND thành phố về kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 các dự án xây dựng cơ bản thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục, xã hội, góp phần phát triển hệ thống dịch vụ xã hội đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Một mặt tiếp tục phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác giám sát, phản biện xã hội và huy động các nguồn lực phục vụ công tác an sinh xã hội, mặt khác, phải đa dạng hóa các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa trong việc thực hiện các chính sách xã hội, hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Đáng chú ý, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có chiều hướng phức tạp trở lại, chúng ta càng không được để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, thực hiện tốt công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Đề cao vai trò, trách nhiệm và sự gương mẫu của người đứng đầu của các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện chương trình, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu phải chú trọng đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc để điều chỉnh, khắc phục; đồng thời, nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo trong triển khai thực hiện chương trình.

Nhìn lại nửa chặng đường của nhiệm kỳ 2021-2025 với nhiều mốc son và điểm nhấn ấn tượng, có thể khẳng định việc hoàn thành tốt các chỉ tiêu, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của Chương trình số 08-CTr/TU luôn gắn bó chặt chẽ với việc triển khai Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, các sở, ban, ngành và địa phương cần xác định rõ nhiệm vụ: “Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao phủ toàn dân, mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận tối đa các dịch vụ xã hội thiết yếu. Thực hiện đồng bộ các chính sách xã hội, phấn đấu không còn hộ nghèo theo chuẩn của Thủ đô, nâng cao phúc lợi xã hội, bảo đảm công bằng xã hội, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giàu - nghèo giữa thành thị và nông thôn...”.

Mai Hoa