Những “đóa hướng dương” kiên cường
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:57, 29/04/2023
Kiên cường vượt qua nghịch cảnh
Câu lạc bộ Phụ nữ kiên cường Hà Nội được thành lập năm 2019, với mục đích hỗ trợ, sẻ chia, giúp đỡ bệnh nhân ung thư vú chống chọi căn bệnh quái ác. Từ lúc ban đầu có gần 100 thành viên, đến nay, câu lạc bộ là nơi hội tụ của 530 bệnh nhân ung thư vú tại 13 tổ quận, huyện trên địa bàn Hà Nội.
Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phụ nữ kiên cường Hà Nội Nguyễn Thị Nhã cho biết: “Hiện tại, câu lạc bộ có gần 100 thành viên đang trong hoàn cảnh khó khăn, bệnh nặng, hàng chục thành viên mà gia đình có 2 người ung thư trở lên, 25 thành viên bị hai bệnh ung thư, 29 thành viên đang điều trị tái phát di căn bệnh nặng. Nhiều chị em không có việc làm ổn định, phải kiếm sống hằng ngày…”.
Chung sống với bệnh ung thư 13 năm qua, bà Nguyễn Thị Thu Hòa (sinh năm 1963, quận Hai Bà Trưng) phải điều trị hóa chất liên tục trong 10 năm do phát hiện ra bệnh đã ở giai đoạn muộn, nên sức khỏe rất yếu. Nén lại nỗi đau đớn và những giọt nước mắt, bà Hòa chia sẻ về hành trình điều trị của mình: “Nhà tôi cả hai mẹ con cùng bị bệnh ung thư. Mẹ tôi bị bệnh năm 2019, chăm sóc mẹ điều trị một năm sau tôi phát hiện bị mắc bệnh. Tôi sốc nhất là lúc mình nghe bác sĩ thông báo tôi bị di căn đa ổ. Lúc đó, tôi yếu lòng và đã chuẩn bị một vài việc đi xa cho bản thân. Nhưng tôi còn mẹ già cũng mắc bệnh và cần sự chăm sóc của mình nên nén đau lại”.
Nếu ai tình cờ gặp chị Bùi Thị Thanh Huyền, sinh năm 1974 (quận Long Biên) ở ngoài đời, với sự trẻ trung, xinh đẹp rạng ngời, chắc chắn không thể nghĩ chị bị ung thư hơn 4 năm qua. “Tôi may mắn hơn nhiều chị em và luôn giữ được tinh thần lạc quan là do có được người chồng tốt, thương yêu vợ con hết mực. Tôi hiếm khi khóc vì bệnh, kể cả khi bác sĩ thông báo bệnh của tôi đã ở giai đoạn 2. Lần duy nhất tôi khóc là khi thấy tóc rụng sạch, đầu trọc lốc vì xạ trị. Chồng tôi thấy vậy đã mang tông đơ tự cắt trụi tóc của mình, để hai vợ chồng cùng không có tóc, cho tôi đỡ ngại”, chị Huyền kể lại chuyện của mình.
Nhớ lại những ngày đầu tiên đối diện với bệnh tật, bà Đoàn Ngọc Anh, sinh năm 1960 (quận Đống Đa) chậm rãi kể lại câu chuyện chiến đấu với căn bệnh ung thư vú cầu gai ác tính: “Nói đến cuộc chiến đấu hóa chất của tôi thì không ai có thể tin nổi. Mọi người đa phần truyền hóa chất trong 4 tháng, còn tôi ròng rã 6 tháng trời mới truyền xong. Hồi ấy, truyền tới ngày thứ 16, chẳng cần chải đầu thì tóc cũng rụng từng mảng. Đã thế bạch cầu luôn bị tụt, phải tiêm để kích bạch cầu liên tục, đau đớn vô cùng. May mắn là tôi đáp ứng thuốc tốt, bệnh cải thiện…”.
Không riêng bà Hòa, bà Ngọc Anh, chị Huyền, hơn 500 thành viên Câu lạc bộ Phụ nữ kiên cường Hà Nội đều là những chiến binh trong cuộc chiến chống lại ung thư vú nhiều năm qua. Mỗi lần xạ trị, truyền hóa chất là một lần cơ thể của những người phụ nữ ấy kiệt quệ. Nhưng nỗi đau thể xác không đáng sợ bằng nỗi đau tinh thần, đó là việc đối mặt với sự khiếm khuyết của cơ thể sau khi điều trị. Ấy vậy mà, trên gương mặt của mỗi người vẫn luôn nở nụ cười, ánh mắt vẫn lấp lánh niềm tin và hy vọng. Với tinh thần và nghị lực vươn lên, các thành viên không chỉ kiên cường chống chọi với bệnh tật mà còn tích cực tham gia các hoạt động của câu lạc bộ...
Lan tỏa khát vọng sống
Thấm thoắt, bà Đoàn Ngọc Anh đã bước sang năm thứ 11 chung sống với căn bệnh ung thư. Bà khoe: “Bây giờ tôi thấy sức khỏe ổn định, tinh thần lạc quan vô cùng, không ai bảo mình là người có bệnh”. Với tinh thần lạc quan, nụ cười luôn nở trên môi, bà Ngọc Anh không chỉ tìm lại sức sống cho mình mà còn là động lực, chỗ dựa cho không ít bệnh nhân khác.
“Ra viện, tôi thuê địa điểm mở một quán cơm để phát từ thiện hoặc bán rẻ cho người bệnh. Rồi thi thoảng bác sĩ lại nhờ tôi vào trong viện, trò chuyện, tư vấn cho người bệnh cách chăm sóc sức khỏe, động viên họ lấy lại tinh thần và vững tâm điều trị”, bà Ngọc Anh cười tươi chia sẻ.
Từ khi được phân công làm Tổ trưởng địa bàn Long Biên - Gia Lâm, chị Bùi Thị Thanh Huyền không chỉ truyền cảm hứng để chị em trong câu lạc bộ sống tích cực, lạc quan hơn, mà chị còn hết lòng với mọi người. Bất cứ việc gì có thể làm để giúp đỡ các chị em đồng bệnh, chị Huyền đều không e ngại. Mới đây, chị đã kêu gọi, quyên góp được hơn 19 triệu đồng giúp hội viên Trần Thị Thủy có kinh phí để nhập viện, điều trị ung thư vú tái phát. Số tiền không lớn, nhưng là sự sẻ chia ý nghĩa, nguồn động viên tinh thần lớn đối với hội viên.
Chị Huyền nhỏ nhẹ nói: “Từ lâu, tôi đã không nghĩ mình bị bệnh. Mình có tinh thần vui vẻ, lạc quan thì mới giúp được người khác. Ai bị bệnh cũng đều khó khăn cả, kinh tế cũng không mấy ai khá giả, nhưng chị em chúng tôi đều đùm bọc thương yêu nhau, chia sẻ với nhau, tình cảm thân thương, như chị em trong nhà”.
Trong 4 năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, nhưng câu lạc bộ đã tổ chức được nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao, tham quan du lịch, tổ chức sinh nhật thành viên… Bên cạnh các hoạt động mang ý nghĩa động viên tinh thần đối với các thành viên, câu lạc bộ còn xây dựng quỹ để hỗ trợ, giúp đỡ các thành viên có hoàn cảnh khó khăn, bệnh nặng. Với tinh thần “lá rách ít đùm lá rách nhiều”, câu lạc bộ đã tổ chức 4 đợt thiện nguyện, thăm hỏi và tặng quà cho hơn 300 bệnh nhân ung thư tại các bệnh viện ở Hà Nội. Đặc biệt trong những ngày dịch Covid-19 hoành hành cách đây ít năm, có 46 thành viên đã tự nguyện nhường suất quà của mình cho đồng bệnh, điển hình là các chị: Nguyễn Thị Chế, Nguyễn Thị Bích Đông, Mộc Lan... cùng nhiều chị em khác.
Đồng hành cùng câu lạc bộ trong các hoạt động chăm lo, gắn kết, lan tỏa nghị lực và lối sống tích cực cho các thành viên, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Lê Kim Anh mong muốn các thành viên câu lạc bộ có thêm sức khỏe, nghị lực chiến đấu, vượt qua bệnh tật, tiếp tục là những bông hoa hướng dương lan tỏa yêu thương và truyền cảm hứng cho cộng đồng.
“Tôi chỉ mong rằng, ai đó bị bệnh sẽ tìm đến câu lạc bộ để được chia sẻ kinh nghiệm, động viên tinh thần và cùng nhau vượt qua bệnh tật. Chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động, thường xuyên quan tâm thăm hỏi các thành viên, nhất là thành viên khó khăn, bệnh nặng, làm sao để câu lạc bộ luôn là chỗ dựa cho các thành viên, người đồng bệnh”, bà Nhã cho biết thêm.
Chia tay những người phụ nữ đó, tôi thầm ngưỡng mộ sự kiên cường và dũng cảm của họ. Ở họ luôn toát lên sức sống tràn trề và nguồn năng lượng tích cực khiến người khác phải cảm phục. Các bà, các chị cũng giống như những đóa hoa hướng dương luôn hướng về phía mặt trời. Điều đáng quý, với họ, sống thêm một vài ngày, vài năm là điều may mắn, nhưng quan trọng hơn là phải luôn sống lạc quan, có ích.