Ngăn ngừa bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em
Đời sống - Ngày đăng : 06:50, 29/04/2023
Đối tượng dễ bị tổn thương
Cuối tháng 3-2023, trên mạng xã hội lan truyền clip một người đàn ông đánh tới tấp vào mặt một thiếu niên. Sau khi điều tra xác minh, Công an huyện Quốc Oai (Hà Nội) đã triệu tập người đàn ông trong clip trên, ở thôn Bạch Thanh, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai. Nguyên nhân sự việc là do cháu N.D.K (sinh năm 2009) đá bóng, va chạm với bạn và đánh bạn rách môi. Sau khi xảy ra sự việc, ông nội của bạn bị đánh đến nhà N.D.K hỏi chuyện và đã liên tiếp đấm vào đầu, mặt cháu N.D.K.
Trước đó, dư luận xót xa và bức xúc trước thông tin bé trai 17 tháng tuổi ở xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín tử vong bất thường ở lớp mầm non trên địa bàn. Sau khi điều tra vụ việc, Công an huyện Thường Tín xác định, cháu bé tử vong do chấn thương sọ não. Hung thủ chính là hai cô giáo trông trẻ.
Trong khi đó, những ngày gần đây, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội liên tiếp đưa ra xét xử những vụ án chồng sát hại vợ. Điển hình là vụ đối tượng Chu Đăng Sáu (phường Thành Công, quận Ba Đình) phạm tội giết người. Nạn nhân chính là vợ bị cáo. Hay vụ án Đỗ Huy Huyên (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn) giết người chung sống như vợ chồng với mình. Cả hai vụ án trên đều xuất phát từ những mâu thuẫn gia đình liên quan đến nạn uống rượu và ghen tuông. Trước khi đi đến hậu quả đáng tiếc, các nạn nhân đã từng bị hành hung, bạo lực nhiều lần.
Đặc biệt, theo khảo sát trên 300 phụ nữ bị bạo lực, trong thời gian dịch bệnh Covid-19, tần suất các hình thức bạo lực nhiều hơn: 84% phụ nữ cho biết các hành vi mất kiểm soát xảy ra nhiều hơn; 72% phụ nữ báo cáo rằng họ bị bạo lực kinh tế nhiều hơn; 91% phụ nữ thừa nhận họ bị bạo lực tinh thần nhiều hơn; 93% phụ nữ báo cáo rằng tần suất xảy ra bạo lực thể xác nhiều hơn; trong số đó, 56% đã từng trải qua bạo hành nhiều hơn 5 lần; 79% phụ nữ báo cáo rằng bị bạo hành tình dục nhiều hơn.
Mô hình liên ngành hỗ trợ phụ nữ, trẻ em
Để tăng cường nhận thức và kỹ năng phòng chống bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em, thành phố đang triển khai nhiều đề án, chương trình phối hợp liên ngành giữa các cấp hội, đoàn thể, công an, tòa án và các sở, ban, ngành tạo cơ chế phối hợp, triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, giải quyết các vụ việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ, trẻ em.
Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Hoàn Kiếm Vũ Tuyết Thương cho biết, mô hình “Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh cộng đồng” được triển khai thí điểm từ năm 2018 tại số 360 phố Phúc Tân (phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm) nhằm cung cấp nơi trú ẩn khẩn cấp cho nạn nhân của bạo lực gia đình. Năm 2022, có 4 trường hợp nghi vấn xâm hại tình dục trẻ vị thành niên được Ban Quản lý mô hình phối hợp cùng nhà trường, Công an phường xử lý, cùng gia đình đón nhận và chăm sóc trẻ, giải quyết vụ việc bảo đảm đúng quy định pháp luật.
Thông qua các hoạt động truyền thông, trong năm 2022, đơn vị chức năng đã tư vấn 26 trường hợp có nguy cơ bị bạo lực trên cơ sở giới là người lao động trong các khu nhà trọ, lao động nhập cư và công nhân trên địa bàn phường, gọi điện trực tiếp cho cán bộ để được tư vấn, hỗ trợ. Hoạt động của mô hình “Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh cộng đồng” được triển khai hiệu quả đã giúp người dân trên địa bàn quận có thêm kỹ năng, thông tin, cách phòng chống bạo lực trên cơ sở giới ở cộng đồng.
Với nỗ lực tuyên truyền và hỗ trợ người dân phòng chống bạo lực gia đình, Tổ truyền thông cộng đồng thôn 8, xã Ba Trại (huyện Ba Vì) vừa được thành lập gồm 10 thành viên do đồng chí Bí thư, Trưởng ban Công tác Mặt trận là Tổ trưởng và Chi hội trưởng phụ nữ là Tổ phó cùng các thành viên là đại diện các đoàn thể thôn, trưởng xóm... Tổ thực hiện các hoạt động truyền thông tuyên truyền thay đổi khuôn mẫu giới trong làm việc nhà, thay đổi nâng cao nhận thức về phòng chống bạo lực gia đình và thu được những kết quả đáng khích lệ.
Thành phố Hà Nội đã xây dựng Đề án “Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2026”. Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Lê Kim Anh cho biết, thực hiện đề án này, các cấp hội phụ nữ đã có nhiều mô hình thiết thực xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng ngừa bạo lực, đề xuất giải quyết kịp thời các vụ bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em. Các mô hình liên ngành được thành lập nhằm thực hiện hỗ trợ ban đầu, giúp nạn nhân bị bạo lực, xâm hại ổn định tâm lý, sức khỏe, tư vấn pháp luật, hướng dẫn thủ tục, hỗ trợ kết nối tới các cơ quan điều tra, bảo đảm an toàn cho nạn nhân.