Văn hóa

Bài 2: Nét mới tại Đất Tổ

Hoàng Quyên 28/04/2023 13:13

(HNMO) - Sau những ngày tháng dài chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngày hội về nguồn năm nay gắn với kỷ niệm 20 năm thực hiện công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, có nhiều hoạt động hấp dẫn, đậm màu sắc di sản văn hóa. Nét đổi mới tại vùng Đất Tổ không chỉ thể hiện ở những ngày diễn ra hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng cụ thể, mà còn có thể nhận ra ở những việc làm thể hiện tính nhất quán hướng tới sự phát triển bền vững, sẽ được duy trì trong tương lai.

Sau hơn 10 năm UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tỉnh Phú Thọ đã tăng cường đầu tư bảo tồn, tu bổ nhiều di tích tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Khu di tích lịch sử Đền Hùng, dù đang vào mùa lễ hội náo nức nhưng vẫn giữ được sự bình yên, trật tự. Ấn tượng đầu tiên khi vào Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Hùng là không gian, cảnh quan, môi trường sạch, đẹp với những hàng cây được cắt tỉa gọn gàng, nhiều tiểu cảnh hoa được trồng ngay ngắn, tươi tắn. Hệ thống xe điện được bố trí khoa học, phân luồng rõ ràng để thuận tiện đưa – đón người dân và du khách hành hương.

Trước ngày chính Giỗ Tổ Hùng Vương, người dân và du khách tranh thủ thời gian đến Khu di tích, thành kính làm lễ dâng hương lên tiền nhân. Nhiều du khách phương xa không chỉ sửa soạn lễ vật cẩn thận, mà còn thể hiện sự nghiêm cẩn, thành kính khi mặc áo dài truyền thống, như để hòa hợp hơn với miền di sản, nơi in đậm dấu ấn thời đại Hùng Vương.

Bà Lê Thị Lan (thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) về Đền Hùng cùng các con, vui vẻ nói: “Về Đền Hùng là về nơi trung tâm của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, về với cội nguồn dân tộc. Năm nào, tôi và các con đều về đây, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và lòng biết ơn đối với công lao tổ tiên đã có công dựng nước”.

Bà Lê Thị Lan (thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc).

Còn theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Hưng, du khách đến từ thành phố Hải Phòng, nhiều năm rồi mới quay trở lại Đền Hùng, ông không khỏi ngạc nhiên vì Khu di tích lịch sử Đền Hùng nay có nhiều đổi khác, được quy hoạch, sửa sang lại rộng rãi, sạch đẹp.

Tiếp chúng tôi đúng thời điểm Lễ hội Đền Hùng đang diễn ra, luôn bận rộn đốc thúc các đơn vị làm tốt các khâu phục vụ du khách, Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Đền Hùng Lê Trường Giang cho biết, công tác quản lý lễ hội năm nay có nhiều đổi mới nhằm khắc phục những hạn chế của nhiều năm trước khi người dân cùng lúc lên núi Nghĩa Lĩnh, dẫn đến quá tải.

Ban quản lý di tích đã phối hợp với lực lượng công an và các cơ quan chức năng phân luồng từ xa; bố trí nhiều điểm dừng chân; phát nước và khẩu trang miễn phí cho du khách.

“Chúng tôi tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm ở thành phố Việt Trì, khu vực công viên Văn Lang… để người dân và du khách có thêm thời gian tìm hiểu văn hóa vùng Đất Tổ, tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời nhằm tránh tập trung đông tại một điểm”, ông Lê Trường Giang thông tin.

Sau hơn 10 năm “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tỉnh Phú Thọ đã tăng cường đầu tư bảo tồn, tu bổ nhiều di tích gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên địa bàn. Khu Di tích lịch sử Đền Hùng được đầu tư khang trang với các khu chức năng như Rừng quốc gia Đền Hùng, Khu trung tâm lễ hội, Khu tháp Hùng Vương, Làng Du lịch văn hóa Hùng Vương, Khu Nhà văn hóa Hùng Vương, khu trồng cây lưu niệm phía Bắc và phía Nam...

Năm nay, xuất hiện điểm mới là Khu di tích lịch sử Đền Hùng đưa vào sử dụng công trình thanh niên “Tuổi trẻ Đất Tổ chuyển đổi số trong quảng bá di tích lịch sử, văn hoá, địa chỉ đỏ”. Đó là các bảng mã QR giúp người dân và du khách dễ dàng tra cứu, tìm kiếm thông tin về lễ hội, lịch sử khu di tích...

Hệ thống mã quét được đặt tại 6 điểm trong khu vực trung tâm lễ hội, gồm: Cổng đền, đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, đền Giếng và đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân.

Bên cạnh đó, Khu di tích đưa vào sử dụng hệ thống xe điện với 90 xe, niêm yết giá công khai theo mỗi tuyến hành trình để du khách dễ dàng chọn lựa phương tiện di chuyển theo khả năng và mong muốn riêng.

Khu di tích lịch sử Đền Hùng rộng hơn 800ha, trong đó, phần lớn diện tích là rừng. Ban quản lý Khu di tích lịch sử Đền Hùng đãcắt cử nhân lực hằng ngày thực hiện công tác bảo đảm vệ sinh, môi trường, giữ gìn cảnh quan.

“Trong những ngày diễn ra lễ hội, chúng tôi huy động tối đa lực lượng thu dọn vệ sinh gồm 80 người cùng lực lượng đoàn thanh niên hỗ trợ để thu gom rác thải, tuyên truyền để người dân và du khách cùng chung tay giữ gìn vệ sinh, bỏ rác đúng nơi quy định. Tới đây, Khu di tích sẽ sử dụng những vật liệu thân thiện môi trường, giảm thiểu việc sử dụng các vật liệu nhựa dùng một lần”, ông Lê Trường Giang, Giám đốc Ban quản lý Khu di tích lịch sử Đền Hùng chia sẻ.

Cùng với Khu di tích lịch sử Đền Hùng, nhiều điểm di tích khác trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đang chuyển mình để trở thành điểm đến du lịch thu hút nhiều du khách hơn nữa. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ Nguyễn Đắc Thủy cho biết, hiện nay, ở Phú Thọ có bốn phường xoan cổ là An Thái, Phù Đức, Kim Đới và Thét - đều nằm ở xã Kim Đức và xã Phượng Lâu thuộc thành phố Việt Trì.

Để bảo tồn, phát huy giá trị của các phường xoan cổ, Phú Thọ có chính sách tu bổ, tôn tạo hệ thống, đình, miếu cổ của các làng để duy trì hoạt động bảo tồn và trình diễn hát xoan, điển hình như việc khôi phục miếu Lãi Lèn, tu bổ đình Hùng Lô. Hai điểm di tích này đã trở thành điểm đến du lịch văn hóa của tỉnh.

Theo truyền thuyết, miếu Lãi Lèn là nơi Vua Hùng truyền dạy điệu hát xoan cho nhân dân.

“Các điểm du lịch văn hóa được yêu cầu phải giữ gìn cảnh quan sạch, đẹp, nâng cấp chất lượng dịch vụ để đón khách. Những ngày này, các phường xoan cổ hằng ngày tập luyện và trình diễn với sự tham gia của nhiều nghệ nhân và lớp thanh niên kế cận, mang đến những tiết mục hấp dẫn nhất cho du khách”, ông Nguyễn Đắc Thủy nói.

Bên cạnh các tour, tuyến du lịch gắn với bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, các danh thắng nổi tiếng và hai di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trên địa bàn Phú Thọ, Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh Phú Thọ giới thiệu 2 tour du lịch mới là: “Phú Thọ về với cội nguồn dân tộc” và “Xuân Sơn kỳ thú”.

Những đổi mới trong công tác bảo tồn, phát huy di sản của Phú Thọ đang dần được cụ thể hóa thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn dành cho du khách. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ, chương trình lễ hội năm nay được gắn kết chặt chẽ với hoạt động du lịch. Du khách được nghe hát xoan tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, miếu Lãi Lèn, đình Hùng Lô (thành phố Việt Trì)...

Bên cạnh đó, để hấp dẫn du khách, tỉnh Phú Thọ đã đưa vào hoạt động nhiều tour, tuyến du lịch hấp dẫn trong dịp diễn ra Lễ hội Đền Hùng và những ngày tiếp theo. Dịp này, bên cạnh các tour, tuyến du lịch gắn với bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, các danh thắng nổi tiếng và hai di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trên địa bàn Phú Thọ, Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh Phú Thọ giới thiệu 2 tour du lịch mới là: “Phú Thọ về với cội nguồn dân tộc” và “Xuân Sơn kỳ thú”.

Các tuyến du lịch này nhằm thu hút du khách đến các điểm di sản của Phú Thọ, như: Đền Quốc Tổ Lạc Long Quân - Khu Di tích lịch sử Đền Hùng - Miếu Lãi Lèn - Làng cổ Hùng Lô; Khu Di tích lịch sử Đền Hùng - Làng cổ Hùng Lô - Vườn Quốc gia Xuân Sơn - Khu nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Thủy; Khu Di tích lịch sử Đền Hùng - Cụm di tích Đền Tam Giang - Chùa Đại Bi - Đền Mẫu Âu Cơ Hạ Hòa...

Với nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản cũng như làm mới sản phẩm du lịch văn hóa, đổi mới trong công tác tổ chức Lễ hội Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ kỳ vọng với kỳ nghỉ kéo dài 5 ngày do trùng với đợt nghỉ lễ 30-4, 1-5, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay sẽ đón khoảng 6 triệu lượt khách. Đây là con số cao hơn hẳn mọi năm: Năm 2022, lượng khách du lịch đến Đền Hùng đạt 1 triệu lượt; năm 2019 (thời điểm trước dịch Covid-19) là 4,5 triệu lượt.

Tuy nhiên, để những di sản của Phú Thọ phát huy tối đa giá trị, có thể mang lại nguồn lợi to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững thì cả Phú Thọ và những địa phương có các di sản văn hóa cần có kế hoạch, chính sách lâu dài, bài bản, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Tỉnh Phú Thọ kỳ vọng Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2023 sẽ đón khoảng 6 triệu lượt khách.