Phim truyền hình được dán nhãn và hiện cảnh báo: Tốt cho người xem, dễ cho người làm

Giải trí - Ngày đăng : 09:05, 28/04/2023

(HNMCT) - Mặc dù được bàn đến từ lâu, nhưng mới đây Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới ban hành quy định về việc phân loại phim và các nội dung cần cảnh báo đối với phim được phổ biến trên truyền hình và không gian mạng. Quy định này sẽ giúp cả người xem lẫn nhà sản xuất dễ dàng hơn trong việc lựa chọn thưởng thức hay sáng tạo nội dung.

“Quỳnh Búp bê” - bộ phim truyền hình đầu tiên của Việt Nam được dán nhãn 18.

Phù hợp với xu hướng

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Thông tư số 05/2023/TT-BVHTTDL quy định tiêu chí phân loại phim và thực hiện hiển thị mức phân loại phim, thông tin cảnh báo. Việc phân loại phim dựa trên một số nguyên tắc, trên hết là nhằm bảo vệ trẻ em và các đối tượng khác dễ bị tổn thương đối với các nội dung không phù hợp, hoặc có thể có tác động tiêu cực. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20-5-2023.

Trong quy định về phân loại phim, ngoài các mức phân loại quen thuộc từ lâu, như loại P, loại T13, T16, T18, Thông tư còn bổ sung thêm 2 loại: Loại K - phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ, và loại C - phim không được phép phổ biến. Việc phân loại dựa trên các tiêu chí cụ thể, bao gồm: Tiêu chí về chủ đề, nội dung; tiêu chí về bạo lực; tiêu chí về khỏa thân, tình dục; tiêu chí về ma túy, chất kích thích, chất gây nghiện; tiêu chí về kinh dị; tiêu chí về ngôn ngữ thô tục; tiêu chí về hành vi nguy hiểm, dễ bắt chước. Mỗi tiêu chí lại có hướng dẫn cụ thể để phân loại.

Điểm mới được nhiều người quan tâm nhất ở Thông tư này là việc phân loại đối với phim được phổ biến trên truyền hình và trên không gian mạng. Theo đó, cơ sở điện ảnh phải hiển thị mức phân loại phim ở thư mục giới thiệu/hiển thị chương trình trên giao diện màn hình của thiết bị để người nghe, người xem đưa ra quyết định, đảm bảo mức phân loại phim được hiển thị rõ ràng và nổi bật; mức phân loại phim phải được hiển thị ở góc trái hoặc góc phải phía trên màn hình trong suốt thời gian phổ biến phim, bảo đảm không chồng lấn với biểu tượng của dịch vụ hoặc các biểu tượng khác. Nội dung cảnh báo phải được hiển thị bằng chữ viết hoặc lời nói chậm nhất là 3 giây ngay sau khi bắt đầu phổ biến phim; vị trí hiển thị cảnh báo ngay sát phía dưới biểu tượng mức phân loại phim; hiển thị tối đa 3 lần trong quá trình phổ biến phim đối với phim có thời lượng từ 20 phút trở lên.

Anh Hoàng Thắng (phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Nhiều khi tôi không thể cùng con xem phim hoặc thẩm định trước nội dung các phim trên mạng, việc dán nhãn, cảnh báo giúp tôi dễ dàng lựa chọn nội dung phù hợp với con mình”. Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành đánh giá: Thông tư được ban hành kèm theo tiêu chí phân loại phim để phổ biến theo lứa tuổi là sự cụ thể hóa và đưa các quy định của Luật Điện ảnh vào cuộc sống; đáp ứng nhu cầu thưởng thức điện ảnh của công chúng, đồng thời tăng cường quản lý, kiểm soát tác động của tác phẩm điện ảnh với khán giả theo từng lứa tuổi.

Dễ cho cả người sáng tạo

Trước khi ban hành, Cục Điện ảnh đã nhiều lần tổ chức lấy ý kiến góp ý của giới chuyên môn trong quá trình xây dựng Thông tư này. Việc đưa ra quy định cụ thể, chi tiết về phân loại phim được nhiều đạo diễn, nhà sản xuất đánh giá là “một bước tiến lớn trong việc phân loại”, phù hợp với xu hướng thế giới.

Đặc biệt, giới chuyên môn cũng cho rằng, những quy định chi tiết góp phần đưa ra định hướng, tạo điều kiện thuận lợi cho giới sáng tác và sản xuất phim tại Việt Nam. Chẳng hạn như bộ phim “Quỳnh Búp bê”, “Người phán xử” và một số bộ phim khác về đề tài xã hội gai góc bị dư luận phản ứng khi phát sóng trên truyền hình vì đầy rẫy cảnh nóng, cảnh bạo lực, tuy nhiên, đây là một trong những đề tài hấp dẫn của phim truyền hình và khán giả trưởng thành không dễ chấp nhận những bộ phim làm hời hợt, né tránh hiện thực xã hội. Do vậy, việc có quy định phân loại, cảnh báo sẽ giúp nhà sản xuất nhắm trúng đối tượng khán giả của mình, tránh trường hợp phim lên sóng lại bị dừng và phải dán nhãn “tình thế” như trường hợp của “Quỳnh Búp bê” - bộ phim truyền hình đầu tiên của Việt Nam được dán nhãn 18.

Đạo diễn Đinh Thái Thụy từng chia sẻ: Ở mảng truyền hình, rất khó để sản xuất một bộ phim hình sự, tình cảm, giật gân... cho khán giả ở mọi độ tuổi thưởng thức. Do vậy, quy định mới về phân loại phim tạo thuận lợi cho những người làm công tác sản xuất phim.

Phân loại, hiển thị cảnh báo là “hàng rào” để bảo vệ trẻ em trước sự tác động của những bộ phim không phù hợp, đồng thời tạo ra hành lang sáng tạo cho người làm phim. Tuy nhiên, để việc dán nhãn, cảnh báo này thực sự có ý nghĩa, mang lại tác dụng thực tế, đặc biệt là với phim truyền hình, phim chiếu mạng, rất cần sự đồng hành tích cực, chủ động từ phía các bậc phụ huynh.

An Định