Bài 4: Cải thiện chất lượng cuộc sống

Đời sống - Ngày đăng : 06:21, 28/04/2023

(HNM) - Hơn 2 năm triển khai Chương trình số 08-CTr/TU, với sự vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhiều chính sách, dự án đầu tư xây dựng cơ bản về giáo dục, y tế, thiết chế văn hóa - thể dục thể thao… đã được triển khai đồng bộ. Qua đó, tạo nền tảng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, chất lượng cuộc sống của nhân dân, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của Thủ đô và đất nước.

Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ba Vì hỗ trợ người dân làm thủ tục vay vốn ưu đãi. Ảnh: Minh Vũ

Tiếp cận tối đa các dịch vụ xã hội thiết yếu

Hơn 2 năm qua, Ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU đã quyết liệt chỉ đạo và thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát triển hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn lực đầu tư dành cho hệ thống dịch vụ xã hội.

Về giáo dục, thành phố đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 8-4-2022 bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo và một số dự án xây dựng cơ bản nhiệm vụ chi cấp thành phố.

Về y tế, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã đã chủ động rà soát cơ sở hạ tầng, lập danh mục các trạm y tế cần sửa chữa, nâng cấp, xây mới để chuẩn bị công tác đầu tư theo kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025. Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 8-4-2022 của HĐND thành phố, giai đoạn 2022-2025 có 349 danh mục dự án đề xuất đầu tư cho y tế cơ sở trên địa bàn thành phố (xây mới 122 dự án; nâng cấp, mở rộng 68 dự án; cải tạo, sửa chữa 159 dự án). Số dự án đầu tư bằng nguồn ngân sách thành phố là 198 dự án.

Về phát triển hạ tầng thương mại, thành phố đã hoàn thiện thủ tục đưa 2 trung tâm thương mại, 14 siêu thị, 205 cửa hàng tiện lợi, 2 chợ vào hoạt động. Thực hiện Kế hoạch phát triển và quản lý chợ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025 (xây mới, xây dựng lại 141 chợ, cải tạo 169 chợ), đến nay đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây mới 11 chợ (487 tỷ đồng), cải tạo, sửa chữa 13 chợ (202,3 tỷ đồng).

Chăm lo các đối tượng đặc thù và yếu thế

Thông qua việc rà soát hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở, thành phố đã có kế hoạch xây mới, sửa chữa, nâng cấp 10 trung tâm văn hóa, 4 trung tâm thể dục thể thao cấp huyện với kinh phí 1.051 tỷ đồng; xây sửa 313 trung tâm văn hóa thể thao cấp xã với kinh phí 7.644 tỷ đồng…

Nhằm nâng cao chất lượng đời sống người dân khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 253/KH-UBND, ngày 11-11-2021, về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030, với tổng nguồn vốn đầu tư theo kế hoạch là 2.144,523 tỷ đồng. Thành phố đã bố trí 1.106,297 tỷ đồng thực hiện đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…

Cùng với đó, Hà Nội thường xuyên quan tâm, chăm lo cho các đối tượng chính sách, có hoàn cảnh khó khăn. Thành phố có hơn 800 nghìn người có công và các đối tượng có liên quan, kinh phí thực hiện công tác ưu đãi người có công của thành phố là 2.215 tỷ đồng/năm. Toàn thành phố đã vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được 77,341 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 606 nhà ở cho gia đình người có công, với kinh phí 25,7 tỷ đồng; tặng 10.604 sổ tiết kiệm tình nghĩa, kinh phí trên 14,8 tỷ đồng; tu sửa, nâng cấp 222 công trình ghi công liệt sĩ, kinh phí trên 150,8 tỷ đồng...

Các chính sách trợ giúp xã hội được thực hiện đúng, đủ, kịp thời. Thành phố hiện có 202.359 đối tượng đang hưởng chính sách trợ cấp xã hội hằng tháng tại cộng đồng. 100% đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên, người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng được hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế. 100% học sinh khuyết tật, học sinh là đối tượng bảo trợ xã hội được miễn học phí. Từ năm 2021 đến nay, đã có 564 lượt đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh khó khăn được tiếp nhận vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội của thành phố.

Đẩy mạnh công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi và trợ giúp người khuyết tật, toàn thành phố có 1.044.965 người cao tuổi, chiếm 13% dân số. Người cao tuổi được hưởng đầy đủ các chính sách theo quy định (lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, bảo trợ xã hội, cấp thẻ bảo hiểm y tế, đi xe buýt miễn phí...). Người khuyết tật được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí học tập, đi xe buýt miễn phí…

Có thể khẳng định với sự đầu tư về cả chính sách và nguồn lực, chênh lệch mức sống giữa khu vực thành thị và khu vực nông thôn ngày càng giảm, các đối tượng đặc thù và yếu thế luôn được quan tâm, góp phần giải quyết hài hòa, hiệu quả giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội và quản trị xã hội, xây dựng Thủ đô phát triển nhanh, bền vững.

(Còn nữa)

Mai Hoa