Cân nhắc "khi nào", "thế nào" với chuyển đổi số ngành logistics

Kinh tế - Ngày đăng : 18:33, 27/04/2023

(HNMO) – Ngành logistics cần được đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt là “số hóa”, để phát triển bền vững - Đây là vấn đề được bàn thảo tại hội thảo "Chuyển đổi số để xây dựng ngành logistics hiện đại, bền vững", do Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và Báo Công Thương tổ chức chiều 27-4, tại Hà Nội.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Lam Giang

Giảm thời gian thông quan 2 phút mỗi container

Chia sẻ tại hội thảo, ông Trương Tấn Lộc, Giám đốc Marketing, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho hay: Thời gian qua, Tân Cảng Sài Gòn đã triển khai đồng loạt cảng điện tử ePort, lệnh giao hàng và hệ thống kho hàng điện tử cùng với ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào chăm sóc khách hàng.

Chỉ riêng việc ứng dụng cảng điện tử đã cho phép khách hàng khai báo trực tuyến thông tin container, thông tin hàng hóa, khai báo tờ khai, thanh toán, cho đến khai báo lệnh giao hàng điện tử… Hay như việc phát triển thêm tính năng check-in online, áp dụng tại cảng Cát Lái, giúp giảm thời gian chờ của phương tiện trước cổng cảng, tiến đến phát triển cảng tự động. Kết quả, thời gian xe chờ tại cổng cảng giảm từ 13 phút xuống còn 6 phút; thời gian thông quan hải quan điện tử giảm 2 phút/container.

“Chúng tôi cũng tiết kiệm khoảng 30.000- 50.000 tờ giấy/ngày in ấn chứng từ, giảm 3.000-5.000 lượt xe/ngày di chuyển từ trung tâm thành phố và khu vực văn phòng hãng tàu đến cảng. Sản lượng giao nhận từ 11.000 lượt xe/ngày lên 19.000-20.000 lượt xe/ ngày”, ông Trương Tấn Lộc nói.

Ông Đinh Hoài Nam, Giám đốc phát triển Kinh doanh, Công ty SLP Việt Nam (chuyên về kho vận) thông tin: Công ty đầu tư thiết bị tự động, tích hợp để tăng hiệu quả vận hành, như máy phân loại hàng, hệ thống giá kệ cao tầng. Nhà kho hiện đại đang dần thay thế hệ thống kho truyền thống. Các công nghệ mới như IoT, trí tuệ nhân tạo và tự động hóa đã giúp nâng cao hiệu suất và độ chính xác của hoạt động kho hàng. Hệ thống kho thông minh cung cấp thông tin chi tiết về quy trình lưu trữ, vận chuyển và quản lý hàng hóa, giúp tối ưu hóa tất cả các hoạt động này.

Theo ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ngành logistics Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Tốc độ tăng trưởng ngành bình quân hằng năm 14-16%, số lượng doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ logistics được nâng cao, đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, nhất là hoạt động xuất, nhập khẩu. 

Xây dựng dữ liệu dùng chung

Các diễn giả tham luận tại hội thảo. Ảnh: Lam Giang

Là một trong những ngành then chốt, được ví như “mạch máu” của nền kinh tế quốc dân, logistics cần được đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt trong khía cạnh “số hóa” để có thể đáp ứng, thích nghi với bối cảnh thị trường, thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề khác. 

Từ thực tế hoạt động, ông Trương Tấn Lộc cho rằng, các doanh nghiệp trong ngành cần xây dựng hệ thống dữ liệu chung, kết nối với các cảng trong khu vực và trên thế giới, góp phần tăng hiệu suất khai thác, sức cạnh tranh của Việt Nam với các cụm cảng lân cận như Singapore hay Thái Lan.

Ông Lộc cũng kiến nghị Nhà nước xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, đẩy nhanh tiến độ các dự án kết nối hạ tầng giao thông, kết nối đa phương thức giao thông; tăng cường đầu tư vào hạ tầng hậu cần và kho bãi, hệ sinh thái logistics, tháo gỡ các “nút thắt” về giao thông để việc kết nối, vận chuyển hàng hóa được thuận lợi.

Trong khi đó ông Nguyễn Triều Quang, Giám đốc Khối vận hành miền Bắc, Lazada Việt Nam nhận định, doanh nghiệp logistics cũng cần xây dựng hệ sinh thái bền vững và toàn diện để nắm lấy cơ hội của thương mại điện tử, đồng thời nâng cao trải nghiệm giao nhận hàng hóa từ mọi điểm chạm; ứng dụng công nghệ và chuẩn hóa quy trình để tối ưu hiệu suất vận hành, phát triển logistics xanh bền vững

Tuy nhiên, bà Cao Cẩm Linh, chuyên gia chuyển đổi số, Công ty cổ phần Tư vấn và dịch vụ Viettel cho rằng, vấn đề quan trọng là doanh nghiệp nên biết khi nào cần chuyển đổi số và chuyển đổi số như thế nào. Theo bà Linh, doanh nghiệp hạ tầng và doanh nghiệp vận hành giao nhận khối lượng hàng hóa lớn bắt buộc phải ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số sâu. Bởi có khối lượng hàng hóa lớn đồng nghĩa doanh nghiệp có dữ liệu lớn để thu thập và phân tích, qua đó xử lý luồng hàng bảo đảm chính xác và nhanh nhất, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, giảm chi phí cho doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp nhỏ chưa có nhiều khách hàng, quan hệ, hãy xử lý giao nhận hàng hóa bằng nhân lực, chưa cần lãng phí đầu tư máy móc, công nghệ”, bà Linh nhấn mạnh.

Lam Giang