Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Cần cơ chế vượt trội để thu hút các nguồn lực xã hội
Chính trị - Ngày đăng : 17:37, 26/04/2023
12 vấn đề cần tiếp tục được nghiên cứu, làm rõ
Trình bày Báo cáo về tình hình xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn cho biết, từ quá trình tham gia góp ý của các bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học đối với hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô, đặc biệt là báo cáo thẩm tra của Văn phòng Chính phủ, kết quả thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và quá trình góp ý đối với dự thảo Luật (lần 1), có một số nội dung chính sách và quy định quan trọng của dự thảo Luật cần được tiếp tục nghiên cứu, làm rõ. Trong đó, nhiều nội dung phải cụ thể hóa hơn nữa so với chính sách được thông qua để rõ nội hàm, khái niệm, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện.
Đây cũng là lý do Ban Cán sự đảng UBND thành phố trình xin ý kiến Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố 12 vấn đề liên quan.
Đáng chú ý, về mô hình thành phố thuộc Thủ đô, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố cho biết, các bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học đề nghị làm rõ mô hình, tổ chức bộ máy chính quyền của thành phố thuộc Thủ đô; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, hoạt động của HĐND, UBND thành phố trực thuộc Thủ đô có nội dung gì đặc thù theo chức năng của từng đô thị cần được phân quyền cao hơn so với các đơn vị quận, huyện.
Đồng thời, cần giải trình sự cần thiết, vấn đề đặc thù, vượt trội phải quy định trong Luật Thủ đô, vì hiện nay mô hình, cơ cấu tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương đã được quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương, tiêu chuẩn thành lập đã có trong quy định tại Nghị quyết số 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đối với việc thành lập các cơ quan chuyên môn đặc thù cấp thành phố, cấp huyện, cũng cần xác định cụ thể về tên gọi, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức của các cơ quan chuyên môn đặc thù mà thành phố dự kiến sẽ thành lập.
Về số lượng đại biểu chuyên trách HĐND thành phố, cần xác định rõ số lượng phù hợp với điều kiện đặc thù, vị trí, vai trò của Thủ đô và định hướng chỉ đạo của Trung ương, cần giải trình, thuyết minh rõ về sự cần thiết phải tăng số lượng đại biểu, lượng đại biểu chuyên trách, trong khi mô hình tổ chức chính quyền giữ nguyên theo Nghị quyết số 97 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.
Về quy định người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có tư cách pháp nhân thuộc thành phố được quyền: "Tuyển dụng, bổ nhiệm từ cấp phó trở xuống và chịu trách nhiệm cá nhân về việc tuyển dụng, bổ nhiệm và chất lượng đội ngũ công chức, viên chức thuộc quyền quản lý", đồng chí Lê Hồng Sơn cho biết, cũng còn có nhiều ý kiến băn khoăn, đặc biệt là việc bảo đảm nguyên tắc, các quy định của Đảng trong công tác cán bộ.
Ban Cán sự đảng UBND thành phố cũng xin ý kiến đối với quy định về dự án, công trình trọng điểm của thành phố; nhiệm vụ khoa học - công nghệ trọng điểm của thành phố; quy định cụ thể các biện pháp về xây dựng lại chung cư cũ, cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị; quy định rõ ràng các vấn đề về: Phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) cần mô hình đầu tư mới như thế nào, có sử dụng hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) không và việc quy định cụ thể trong trường hợp tiếp tục đưa vào dự thảo Luật; cơ chế chia sẻ lợi ích giữa Nhà nước - nhà đầu tư - người dân trong các dự án; vấn đề thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng...
Trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5-2023
Thảo luận tại tổ, các đại biểu đều nhất trí cao về sự cần thiết phải xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) với những cơ chế vượt trội để tạo hành lang pháp lý cho Thủ đô phát triển xứng đáng với vị trí, vai trò như đã được xác định cụ thể trong Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Lộ trình dự kiến báo cáo xin ý kiến Quốc hội để trình dự thảo Luật trong 2 kỳ họp là phù hợp, nhưng đòi hỏi các công việc phải thực hiện rất khẩn trương, bảo đảm chất lượng.
Đối với 12 vấn đề xin ý kiến tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, những nội dung này đều rất cần thiết, phải được làm rõ trong Luật Thủ đô (sửa đổi), bởi đây vừa là nhu cầu từ thực tiễn đặt ra, vừa là những “nút thắt” quan trọng về cơ chế cần tháo gỡ để mở thông các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân cho rằng, khó khăn rất lớn trong phát triển Thủ đô hiện nay chính là nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng; nếu không có cơ chế vượt trội để thu hút các nguồn lực xã hội thì rất khó giải quyết.
Do đó, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nhất định phải đưa vào các quy định để tháo gỡ vướng mắc về cơ chế để thu hút mạnh các nguồn lực xã hội, trong đó có việc tiếp tục triển khai các hình thức đầu tư, như BT, PPP (đối tác công tư)... Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng nhất trí cao việc đưa vào các quy định cụ thể về phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), bởi đây chính là cơ sở để tạo ra các đô thị bền vững, phát triển các đô thị vệ tinh...
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn cho biết, ngày 23-2-2023, Chính phủ đã tổ chức phiên họp để xem xét hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), cơ bản thông qua 9 chính sách như trong Đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) do Bộ Tư pháp trình. Bộ Tư pháp thừa ủy quyền của Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ngày 28-2-2023) để xem xét, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ năm (tháng 5-2023) thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2023 vào tháng 5-2023.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, thời gian tới, thành phố sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp - cơ quan chủ trì xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) thực hiện 14 phần việc. Trước hết, đó là chuẩn bị hồ sơ, báo cáo thuyết minh, giải trình phục vụ kỳ họp Quốc hội để thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2023 vào tháng 5-2023...