Tái hiện "hội trận" độc nhất vô nhị trong kho tàng lễ hội Việt Nam

Văn hóa - Ngày đăng : 13:52, 26/04/2023

(HNMO) - Tròn 70 năm gián đoạn thực hành, ngày 25-4-2023 (tức mùng 7 tháng 3 âm lịch), các nghi thức trong lễ hội chùa Láng (phường Láng Thượng, quận Đống Đa) đã được phục dựng trọn vẹn, đúng với hồ sơ ghi danh Hội Láng vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó, nổi bật là nghi thức "độ hà" thể hiện tinh thần hiếu nghĩa và nghi thức "đấu thần" - "hội trận" độc nhất vô nhị trong kho tàng lễ hội Việt Nam. Lễ hội tạo nên không khí tưng bừng, náo nức khắp vùng kẻ Láng xưa, địa bàn các phường có di sản kết nối với lễ hội ở quận Đống Đa ngày nay, thu hút hàng vạn người dân và khách thập phương hòa mình vào không gian lễ hội.

Lễ hội chùa Láng vừa mang đậm giá trị lịch sử, vừa phảng phất sắc màu huyền thoại, gắn liền với cuộc đời Thiền sư Từ Đạo Hạnh, người được dân gian coi là tăng, là Phật, là vua và là Tổ sư nghề múa rối cổ truyền.

Lễ hội phản ánh chân thực cuộc sống của cộng đồng cư dân kẻ Láng, đồng thời là biểu tượng của tinh thần đoàn kết, sự liên kết cộng đồng sâu sắc thông qua niềm tin vào Đức Thánh Từ Đạo Hạnh, việc tổ chức lễ hội và thực hành nghi lễ​​​​​​, góp phần duy trì thuần phong mỹ tục địa phương.

Hằng năm, từ mùng 5 đến mùng 8 tháng 3 âm lịch, người dân làng Láng và nhân dân ven bờ sông Tô Lịch lại náo nức, hồ hởi và thành kính chuẩn bị cho các công việc của hội và tổ chức hội một cách trang nghiêm, hoành tráng.

Lễ hội năm nay tái hiện nghi thức "độ hà" mang hàm ý "con không đi trên đầu cha" .

Lúc này, kiệu rước thánh sẽ qua sông bằng cầu phao nổi sát mặt nước,
thay vì đi qua cầu bắc vượt trên sông.

Đoàn rước, sau khi hoàn thành nghi thức "độ hà", đã tiếp tục hành trình dọc sông Tô Lịch
trong sự náo nức của người dân.

Người dân làng Láng luôn ý thức về di sản của mình, ý thức này thấm vào máu thịt,
trao truyền từ thế hệ những người thực hành hội này qua thế hệ khác.

Lễ hội là dịp bày tỏ lòng thành kính, lúc này người dân đã sắp đặt đồ lễ đặt dọc hai bên đường kiệu qua.

Nghi thức "đấu thần" giữa Thiền sư Từ Đạo Hạnh và Pháp sư Đại Điên
được tái hiện bằng trận pháo tại cổng chùa Duệ Tú - nơi thờ Pháp sư Đại Điên.

Theo chiều dài lịch sử, cuộc đấu pháp giữa Đức Thánh Từ Đạo Hạnh và Pháp sư Đại Điên khiến Hội chùa Láng trở thành hội trận độc nhất vô nhị trong kho tàng lễ hội cổ truyền ở Việt Nam.

Kết thúc "đấu trận" là màn múa rồng mừng chiến thắng. 

Vì là một lễ hội vùng có tính chất mở, lễ hội không chỉ thu hút cư dân trong vùng
mà còn hấp dẫn cả du khách thập phương về dự hội, qua đó góp phần vào việc
duy trì thuần phong mỹ tục của địa phương.

Nguyễn Thanh