Giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi
Xã hội - Ngày đăng : 08:23, 26/04/2023
Theo thống kê của Phòng Kinh tế huyện Hoài Đức, trên địa bàn huyện hiện có hơn 46.600 gia súc, chó, mèo và hơn 546.000 gia cầm nên lượng phế thải từ chăn nuôi khá lớn. Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Anh cho biết, huyện thường xuyên chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai những biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu phát sinh chất thải ra môi trường xung quanh; kiểm soát, xử lý, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc về môi trường xảy ra trên địa bàn; hạn chế gây ô nhiễm môi trường do chất thải trong chăn nuôi…
Tại địa bàn xã Cát Quế (huyện Hoài Đức), tổng đàn vật nuôi có gần 107.000 con, trong đó có 750 con trâu, bò; 17.276 con lợn và gần 89.000 con gà. Ông Mầu Tiến Dũng, cán bộ thú y xã Cát Quế cho hay, các hộ gia đình chủ yếu chăn nuôi ở vùng bãi, thuộc các thôn 7, 8, 9 và Cát Ngòi, trong đó có 3 trang trại chăn nuôi gà từ 20.000 con trở lên và hơn 300 hộ chăn nuôi đàn lợn từ 30 con trở lên. Để giữ vệ sinh môi trường, nhiều hộ chăn nuôi lợn ở xã Cát Quế đã xây hầm biogas thu gom phế thải. Điển hình, gia đình ông Nguyễn Trọng Luân ở thôn 6, nuôi lợn từ năm 2002 đến nay, duy trì tổng đàn từ 45 đến 60 con/lứa, mỗi lứa nuôi khoảng 9-10 tháng. Tính cả lợn giống nuôi gối và lợn thương phẩm, mỗi năm gia đình ông nuôi được 1,5 lứa lợn, doanh thu khoảng 400 triệu đồng/năm.
“Từ năm 2008, tôi được Hội Nông dân xã hỗ trợ tiếp cận, vay vốn ưu đãi, lãi suất 5%/năm, trả dần trong 5 năm, để xây dựng hầm biogas, thể tích 18,1m3, theo dự án bảo vệ môi trường của Việt Nam - Hà Lan. Từ khi có hầm biogas, toàn bộ chất thải của đàn lợn đều được thu gom, không những thế, gia đình còn có khí gas để sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày. Năm 2015, tôi tiếp tục đầu tư thêm một hầm biogas, có thể tích 10m3, một bộ lọc không khí, đồng hồ đo áp suất để theo dõi lượng khí gas. Nhờ đó, môi trường trang trại của gia đình và khu vực dân cư xung quanh không bị ô nhiễm, bã từ hầm biogas còn được tận dụng làm phân bón cho cây trồng”, ông Luân chia sẻ.
Theo ông Mầu Tiến Dũng, cán bộ thú y xã Cát Quế, riêng các chủ trang trại, gia trại chăn nuôi gia cầm, chất thải được họ thu gom để bán cho hộ trồng cây, nuôi cá. Đồng thời mỗi tuần, các hộ phun thuốc sát trùng vệ sinh chuồng trại một lần, vừa đề phòng dịch bệnh cúm gia cầm, vừa giữ vệ sinh môi trường khu vực chăn nuôi.
Tương tự, xã Vân Côn tập trung chỉ đạo các hộ thực hiện nghiêm công tác bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm. Chủ tịch UBND xã Vân Côn Hoàng Văn Tuấn cho biết, xã có 16.300 con gà và 112.000 con chim cút sinh sản để khai thác trứng; gần 1.000 con trâu, bò, lợn, chó, mèo. Các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã luôn giữ gìn vệ sinh môi trường khu chuồng trại để phòng dịch.
Ông Nguyễn Viết Phước, chủ trang trại chăn nuôi chim cút ở thôn Linh Thượng, xã Vân Côn thông tin, trang trại nuôi 10.000 con chim cút sinh sản, mỗi ngày thu hoạch khoảng 8.000 trứng, trừ mọi chi phí, cho thu lãi 150 triệu đồng/năm. Mặc dù trang trại ở vùng bãi, xa khu dân cư, nhưng để đàn vật nuôi không bị bệnh, không gây ô nhiễm môi trường xung quanh, hằng ngày gia đình ông thu gom phân chim để bán; từ 8 đến 10 ngày sẽ phun thuốc khử trùng và rải vôi bột xuống nền chuồng trại…
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Anh khẳng định, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện các nhà máy xử lý nước thải; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm xả chất thải không qua xử lý trực tiếp ra môi trường; tiếp tục phát động phong trào thi đua bảo đảm vệ sinh môi trường gắn liền với cuộc thi "Giữ gìn thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn" trên địa bàn, góp phần hoàn thành sớm các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, xây dựng huyện Hoài Đức thành quận, các xã, thị trấn thành phường...