Bảo vệ tài nguyên nước
Công nghệ - Ngày đăng : 05:50, 26/04/2023
Trong đó, điều đáng quan tâm hơn cả là nguồn nước đang đối mặt với những mức độ ô nhiễm khác nhau. Cụ thể là nước mặt sông, suối, ao hồ… bị ô nhiễm bởi rác thải, nước sinh hoạt và sản xuất công nghiệp, nông nghiệp chưa qua xử lý đổ vào. Nước ngầm cũng trong tình cảnh ô nhiễm và thiếu trầm trọng do bị khai thác quá mức. Còn nước mưa thì đối mặt nguy cơ bị ô nhiễm do một số nguyên nhân như không khí ô nhiễm…
Lâu nay, nhiều người vẫn lầm tưởng “nước là vô tận” nên sử dụng lãng phí. Thực tế, nếu tính riêng lượng tài nguyên mặt nước sản sinh trên lãnh thổ, thì tổng lượng nước bình quân trên đầu người ở nước ta hiện chỉ đạt 3.280m3/người/năm, thấp hơn so với trung bình của khu vực Đông Nam Á là 4.900m3/người/năm.
Như vậy có thể thấy, Việt Nam là quốc gia gặp nhiều thách thức về tài nguyên nước trong tương lai gần.
Hiện nay, hệ thống pháp luật về bảo vệ tài nguyên nước đã được xây dựng khá toàn diện. Vấn đề còn lại là phải tập trung triển khai trên thực tế để đưa các chính sách đi vào cuộc sống, bảo đảm quản lý tài nguyên nước có hiệu quả, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng là các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện hiệu quả Kết luận số 36-KL/TƯ (ngày 23-6-2022) của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Riêng với Thủ đô Hà Nội, các ban, ngành, quận, huyện, thị xã cần cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ bám sát theo Chương trình hành động số 27-CTr/TU ngày 20-4-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Kết luận số 36-KL/TƯ của Bộ Chính trị.
Mục tiêu quan trọng là phải bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống; đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các ngành kinh tế quan trọng, thiết yếu; mọi người dân, mọi đối tượng được tiếp cận, sử dụng nước công bằng, hợp lý.
Để hiện thực hóa những mục tiêu, nhiệm vụ, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đúng, đầy đủ về bảo đảm an ninh nguồn nước là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài, liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh đất nước.
Cùng với đó, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thủy lợi, tài nguyên nước và điều tra cơ bản, đánh giá trữ lượng nguồn nước. Đặc biệt, cần xây dựng kịch bản phát triển, giải quyết các tác động cực đoan về hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, ô nhiễm, suy thoái nguồn nước, bảo vệ môi trường nước; tăng cường công tác quy hoạch, điều tra cơ bản, giám sát, kiểm kê, đánh giá trữ lượng nguồn nước, phục vụ hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; xây dựng và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn nước trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, bảo đảm sự kết nối, chia sẻ hiệu quả giữa các cấp, bộ, ngành, địa phương; kiểm soát, giám sát chặt chẽ các nguồn thải, chất thải xả vào nguồn nước, nhất là nước thải sinh hoạt, công nghiệp.
Mỗi tổ chức, cá nhân cần nâng cao ý thức, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, bởi nước là tài nguyên quý giá, bảo vệ tài nguyên nước là bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta.