Chuẩn bị cho năm học mới 2023-2024: Chủ động khắc phục thiếu giáo viên

Giáo dục - Ngày đăng : 05:58, 26/04/2023

(HNM) - Thời điểm này, cùng với việc tập trung hoàn thành kế hoạch năm học 2022-2023, ngành Giáo dục Hà Nội đang khẩn trương chuẩn bị cho năm học mới 2023-2024. Cũng như nhiều tỉnh, thành phố khác, Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn trong việc khắc phục tình trạng thiếu giáo viên. Đây là thách thức không nhỏ đối với toàn ngành trước thềm năm học mới, nhất là trong bối cảnh số lượng học sinh trong độ tuổi tuyển sinh vào các lớp đầu cấp tăng mạnh.

Một tiết học của học sinh Trường Trung học cơ sở Quảng An (quận Tây Hồ). Ảnh: Nguyễn Quang

Nỗ lực bảo đảm chất lượng

Các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đang bước vào những tuần học cuối trong kế hoạch thời gian năm học 2022-2023. Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh Nguyễn Văn Hậu, từ đầu năm học tới nay, giáo viên các nhà trường rất vất vả bởi vừa dạy bài mới, vừa kiểm tra, củng cố, bổ sung những kiến thức cũ cho học sinh do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trước đó. Bên cạnh đó, các trường còn phải nỗ lực khắc phục khó khăn trong việc thiếu giáo viên để tổ chức dạy học bảo đảm chất lượng. 

Đây là năm thứ ba ngành Giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, song tình trạng thiếu giáo viên vẫn xảy ra khá phổ biến, nhất là ở những môn học mới. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Yên (quận Cầu Giấy) Đỗ Thị Mai cho biết, các năm trước, tiếng Anh, tin học và công nghệ là hai môn học tự chọn từ lớp 3 với thời lượng 2 tiết/tuần, nay chuyển thành bắt buộc với 4 tiết/ tuần, nên số giáo viên hiện có của trường không đủ để đáp ứng. Nhà trường đã ký hợp đồng với giáo viên để bảo đảm tổ chức dạy học đúng quy định, đồng thời chủ động bố trí cho giáo viên tin học đi học bồi dưỡng lấy chứng chỉ theo quy định. Đến nay, đội ngũ giáo viên của 2 môn đã đảm đương tốt yêu cầu nhiệm vụ, tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tình thế.  

Để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên, thành phố Hà Nội đã rà soát số lượng giáo viên thiếu và ban hành quyết định giao chỉ tiêu ký hợp đồng lao động làm công tác giảng dạy từ nguồn thu sự nghiệp. Năm 2021, các nhà trường được giao 3.029 chỉ tiêu; năm 2022 được giao 4.200 chỉ tiêu. 

Kiên trì giải bài toán thiếu giáo viên 

Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục Hà Nội đứng trước thách thức không nhỏ trong việc bảo đảm số lượng giáo viên đứng lớp trong bối cảnh học sinh trong độ tuổi tuyển sinh vào các lớp đầu cấp tăng gần 51.000 em, trong đó tăng mạnh nhất là ở lớp 6 với khoảng 38.800 em, lớp 1 tăng khoảng 11.600 em… Đây là năm học thứ tư toàn ngành thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa, quy mô học sinh học theo chương trình mới tăng từ 6 khối lớp lên 9 khối lớp (gồm các lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10 và 11), đòi hỏi cần tiếp tục bổ sung giáo viên. Dự liệu được những khó khăn, các đơn vị đã chủ động có phương án ứng phó. 

Giáo viên Trường Mầm non Quang Minh A (huyện Mê Linh) hướng dẫn trẻ hoạt động ngoại khóa. Ảnh: Đỗ Tâm

Hà Đông là quận hiện có số lượng học sinh dẫn đầu thành phố Hà Nội với khoảng  117.000 em và liên tục tăng trong vài năm gần đây. Vì vậy, bên cạnh việc xây dựng bổ sung trường, lớp học để đáp ứng chỗ học cho học sinh, việc bố trí đủ giáo viên được lãnh đạo quận đặc biệt quan tâm. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng cho hay, việc thực hiện tinh giản biên chế theo quy định trong bối cảnh số lượng học sinh, quy mô trường, lớp ngày càng tăng là một bài toán khó, để tìm lời giải cần có sự chung sức của nhiều phía. Cùng với việc tổ chức tuyển dụng biên chế theo lộ trình, quận cũng đang tổ chức cho hơn 500 giáo viên đi học nâng cao trình độ đào tạo, bảo đảm 100% giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn theo quy định. 

Còn Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hai Bà Trưng Cấn Văn Đa thông tin, mầm non là cấp học thiếu giáo viên nhiều nhất của quận. Phòng đã tích cực tham mưu với UBND quận rà soát, tổ chức tuyển dụng giáo viên cho các cấp học theo lộ trình, bảo đảm từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. 

Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ứng Hoà Nguyễn Đức Thắng, toàn huyện có 90 trường học với hơn 39.000 học sinh, gần 3.000 giáo viên. Số giáo viên còn thiếu là 276 người, hiện mới tuyển được 145 người. Việc tuyển dụng đủ số lượng giáo viên gặp không ít khó khăn do ít thí sinh đăng ký dự tuyển, nhiều sinh viên mới tốt nghiệp thường chọn đi làm công nhân ở Khu công nghiệp Đồng Văn, do thu nhập cao hơn dạy học. Phòng đã đề xuất UBND huyện phương án giáo viên dạy liên trường; ký hợp đồng giáo viên cho những trường còn thiếu. 

Tại kỳ họp thứ chín, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI đã thông qua nghị quyết điều chỉnh tổng biên chế hành chính sự nghiệp năm 2022 và phân bổ biên chế giáo viên năm học 2022-2023. Theo đó, các trường mầm non, phổ thông công lập được bổ sung 2.361 biên chế giáo viên. Cùng với việc tuyển dụng bổ sung theo chỉ tiêu đã được phê duyệt, các quận, huyện, thị xã vẫn duy trì ký hợp đồng với giáo viên; liên kết các trường trên cùng địa bàn để chia sẻ nguồn giáo viên ở các môn học còn thiếu... 

Nhằm bảo đảm số lượng và chất lượng giáo viên dạy các môn học mới như tiếng Anh, tin học ở tiểu học; môn tích hợp khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý ở cấp trung học cơ sở, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, Sở đã đề nghị các phòng giáo dục và đào tạo rà soát đội ngũ giáo viên hiện có để chuẩn bị phương án cho năm học mới, đồng thời, phân công giáo viên tham gia bồi dưỡng trong hè năm 2023. Mục tiêu là bảo đảm đủ giáo viên, tạo thuận lợi nhất cho học sinh, không để ảnh hưởng đến chất lượng dạy học. 

Thống Nhất