Phát triển nền kiến trúc bản sắc, hiện đại, thích ứng, hội nhập
Đời sống - Ngày đăng : 22:18, 25/04/2023
Dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương. Về phía thành phố Hà Nội, có Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn.
Tiền thân là Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam được thành lập năm 1948, đến nay, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, với gần 7.000 hội viên trong số hơn 20.000 kiến trúc sư cả nước.
Hội Kiến trúc sư Việt Nam luôn nhận thức về vai trò tiên phong của kiến trúc trong sự nghiệp phát triển bền vững quốc gia, khẳng định vị thế của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các thế hệ kiến trúc sư Việt Nam dành nhiều tâm sức, trí tuệ, phát huy tinh thần sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn, đóng góp cho sự phát triển của đất nước nói chung và của nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc.
Đọc diễn văn kỷ niệm, Tiến sĩ, kiến trúc sư Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam khẳng định, cùng đồng hành với đất nước, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã trải qua chặng đường 3/4 thế kỷ hào hùng, góp phần phát triển quốc gia đậm sắc văn hóa, văn minh, hiện đại, hội nhập bền vững.
Hội Kiến trúc sư Việt Nam và toàn giới nghề sẽ tập trung lực lượng, hành động vì mục tiêu góp phần để hệ thống đô thị phát triển bền vững, thực chất với kiến trúc xanh - bản sắc - hiện đại; vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt để đóng góp kịp thời, đúng vai trò vào quy hoạch và kiến trúc nông thôn; làm cho cộng đồng - chính quyền - nhà đầu tư - nhân dân thực sự thấu hiểu và tương tác; giới kiến trúc sư nâng tầm trong sáng tạo, đột phá, cạnh tranh, hội nhập…
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát biểu tại lễ kỷ niệm, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh ghi nhận, đánh giá cao những thành tựu mà Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã đạt được trong 75 năm qua trong công cuộc xây dựng và kiến thiết đất nước.
Để tiếp tục xây dựng nền kiến trúc Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, có khả năng thích ứng cao, phù hợp xu thế thế giới, đồng chí Trần Tuấn Anh bày tỏ tin tưởng và mong muốn Hội Kiến trúc sư Việt Nam nói riêng và giới kiến trúc sư Việt Nam nói chung tiếp tục quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực kiến trúc, để kiến trúc thực sự lấy người dân làm chủ thể. Kiến trúc phải đáp ứng thực tiễn sinh động, phù hợp điều kiện kinh tế vùng miền, tộc người, làm giàu thêm văn hóa dân tộc; chú trọng đổi mới sáng tạo; nâng cao trách nhiệm xã hội của kiến trúc sư trong làm nghề; kiên quyết loại trừ những kiến trúc lai căng; giữ gìn, kế thừa, phát huy các giá trị văn hóa kiến trúc truyền thống, kiến trúc mới có giá trị; tích cực phản biện xã hội trong kiến trúc và quy hoạch; chú trọng phát triển hội viên, quan tâm đến kiến trúc sư trẻ; chủ động tham gia và hòa nhập với xu thế kiến trúc thế giới…
Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã tổng kết và trao Giải thưởng Kiến trúc quốc gia lần thứ 15 (2022-2023). Giải thưởng năm nay đã nhận được 226 tác phẩm tham dự - số lượng lớn nhất trong các kỳ tổ chức. Các tác phẩm đều có sự tiến bộ cả về số lượng và chất lượng, đa dạng về nội dung và phong phú về hình thức thể hiện, phản ánh trình độ phát triển của nền kiến trúc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Kết quả, có 5 giải Vàng, 18 giải Bạc, 34 giải Đồng và 1 giải thưởng cho tác phẩm được cộng đồng yêu thích và bình chọn nhiều nhất.
Trong đó, 5 giải Vàng thuộc về các tác phẩm: Viettel Group Headquarters (kiến trúc công cộng) - tác giả Gensler; Ngôi nhà Đức tại thành phố Hồ Chí Minh (kiến trúc công cộng) - nhóm kiến trúc sư Meihard von Gerkan, Nikolaus Goetze, Volkmar Sievers; Trung tâm gốm Bát Tràng (kiến trúc công cộng) - nhóm kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào, Nguyễn Duy Thanh, Đỗ Quang Minh; Thiết kế cảnh quan khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Flamingo Đại Lải Resort (kiến trúc cảnh quan - thiết kế đô thị) - nhóm kiến trúc sư Nguyễn Thượng Quân, Bùi Thị Bích Đào, Lê Văn Hoàng, Nguyễn Thị Phương Yến; Quy hoạch chung thành phố Sóc Trăng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 (quy hoạch đô thị) - kiến trúc sư Cao Thành Nghiệp và cộng sự.