Nhiều ý kiến liên quan lĩnh vực Nông nghiệp đóng góp vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Chính trị - Ngày đăng : 11:39, 25/04/2023

(HNMO) - Sau gần 10 năm đi vào cuộc sống, Luật Thủ đô (có hiệu lực từ ngày 1-7-2013) đã tạo ra những tác động tích cực tới công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội nói chung, ngành Nông nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, còn nhiều vướng mắc, đòi hỏi phải sớm sửa đổi luật nhằm tạo bước phát triển mới cho nông nghiệp...

Thiếu quy định về phát triển nông nghiệp, nông thôn

Tại cuộc họp về nội dung nghiên cứu về nông nghiệp nông thôn trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) diễn ra sáng 25-4, theo các chuyên gia và các cơ quan quản lý, còn không ít vướng mắc mà Hà Nội không thể giải quyết được đối  lĩnh vực nông nghiệp.

Quang cảnh cuộc họp.

Nguyên nhân là Luật Thủ đô còn thiếu quy định về phát triển nông nghiệp, nông thôn; chưa có nhiều chính sách, quy định mở đường cho việc đổi mới và phát triển các mô hình, tổ chức kinh tế nông thôn, đặc biệt là các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị...

Theo ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính sách, pháp luật về đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện đại, xây dựng người nông dân đủ năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới còn nhiều bất cập, đặc biệt là chính sách thu hút, huy động nguồn lực xã hội. 

Bất cập nêu trên khiến mặc dù chương trình xây dựng nông thôn mới ở Thủ đô đã đạt được những kết quả nổi bật nhưng kinh tế nông thôn vẫn còn nhiều bất cập, mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã quy mô nhỏ, năng lực tiếp thu tiến bộ kỹ thuật - công nghệ mới còn thấp; công tác quản lý xây dựng, đất đai, vệ sinh môi trường, xử lý nước thải khu vực nông thôn còn hạn chế.

Lĩnh vực đào tạo lao động nông thôn cũng chưa theo kịp yêu cầu của thị trường lao động. Người nông dân chưa thật sự làm chủ được chu trình sản xuất - tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi cung ứng. Tỷ lệ giảm nghèo nhanh nhưng chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao.   

Để nông nghiệp Thủ đô tăng tốc...

Các chuyên gia tham dự cuộc họp cho rằng, cần có cơ chế, chính sách cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn ngay trong dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), tạo khung khổ pháp lý phù hợp giúp Thủ đô phát huy cao nhất tiềm năng, thế mạnh để phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hồng Tuyến nêu vấn đề: Hà Nội phải làm nông nghiệp cao, sinh thái, bắt đầu từ việc cơ cấu lại các ngành, nghề sản xuất theo hướng phát triển các vùng tập trung quy mô lớn, xanh, ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, tái cơ cấu nông nghiệp là nền tảng then chốt, xây dựng nông thôn mới là căn bản, nông dân là chủ thể của toàn bộ quá trình phát triển nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao, hội nhập quốc tế, thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Ở góc nhìn khác, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tạ Văn Tường đề xuất, phải có quy hoạch nông nghiệp bảo vệ thành phố xanh. Đối với sản phẩm nông nghiệp vào Hà Nội, cơ quan chuyên môn Hà Nội phải kiểm soát chất lượng đầu vào với mục tiêu bảo đảm sức khỏe nhân dân bằng phương pháp quản lý khoa học. Cũng theo ông Tạ Văn Tường, HĐND thành phố Hà Nội cần được quy định các chính sách đặc thù cao hơn và ngoài các chính sách trung ương đã ban hành. 

Kiểm tra chất lượng rau thủy canh tại một hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao huyện Thanh Trì.

Cùng quan điểm, ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam còn cho rằng, bên cạnh đầu tư nguồn lực, Hà Nội phải làm tốt nhất cả nước về kiểm soát an toàn thực phẩm, trước hết là thành lập Ban an toàn thực phẩm tương tự của Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh nhằm tập trung công tác an toàn thực phẩm từ 3 đầu mối (Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về 1 đầu mối cơ quan trực thuộc UBND thành phố. Cơ quan này có chức năng kiểm tra, giám sát, phòng ngừa nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Thực hiện kiểm soát về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ của các loại thực phẩm đưa về Hà Nội. 

Nhiều ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, cần kết hợp chặt chẽ giữa sản xuất - bảo quản - chế biến với thị trường tiêu thụ để đạt giá trị kinh tế cao và bền vững, tăng cường liên kết vùng.

Để phát triển một nền nông nghiệp như vậy, không thể sản xuất ở quy mô nông hộ nhỏ lẻ, manh mún. Do đó, việc quy hoạch vùng sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tập trung với quy mô phù hợp là đòi hỏi cấp thiết đặt ra.

Phạm Thuỳ Dương