Thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Thủ đô: Chú trọng đến vai trò của doanh nghiệp
Công nghệ - Ngày đăng : 07:45, 25/04/2023
Chưa tương xứng với lợi thế
Nhằm giúp các địa phương xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu và yếu tố tiềm năng, điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, năm 2022, Bộ Khoa học và Công nghệ thử nghiệm xây dựng và triển khai thí điểm bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII).
Kết quả là Thủ đô Hà Nội đạt 61,07 điểm, xếp thứ nhất trong 20 địa phương thử nghiệm. Ông Trần Văn Nghĩa - Phó Giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ), đơn vị xây dựng và triển khai PII, cho biết, Hà Nội có những số liệu vượt trội so với các tỉnh, thành phố khác. Hà Nội có số lượng đơn đăng ký bảo hộ sáng chế cao, có nhiều lợi thế về điều kiện kinh tế, tập trung các trường đại học, viện nghiên cứu, các khu công nghiệp, công nghệ cao...
Tuy nhiên, bảng xếp hạng chỉ ra các điểm yếu của Hà Nội thông qua một số chỉ số xếp hạng thấp như: Chi cho giáo dục; cơ sở hạ tầng chung; tỷ lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông có đào tạo STEM/STEAM...
Có thể nói, tuy tạm dẫn đầu PII, nhưng những kết quả về hoạt động đổi mới sáng tạo của Hà Nội thời gian qua được ghi nhận chưa tương xứng với lợi thế của Thủ đô. Nhiều tiềm lực khoa học, công nghệ trên địa bàn chưa được khai thác, sử dụng thực sự hiệu quả. Việc cụ thể hóa các chủ trương, định hướng lớn về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thành các cơ chế, chính sách còn chậm; thiếu các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển đồng bộ thị trường khoa học, công nghệ; cơ sở hạ tầng về công nghệ cao còn yếu; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố còn thấp...
Chủ tịch Công ty cổ phần IP GROUP Ngô Đắc Thuần cho rằng, một trong những hạn chế của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là nền tảng của đổi mới sáng tạo chưa chủ động, chưa lâu dài, vẫn phụ thuộc vào lõi công nghệ của các tập đoàn nước ngoài. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang loại bỏ dần ưu thế của kinh nghiệm, phương thức quản trị tự phát và mô hình kinh doanh cũ. Đổi mới sáng tạo không chỉ giúp doanh nghiệp tồn tại, phát triển, duy trì lợi thế cạnh tranh của mình, mà nó còn giúp doanh nghiệp vượt lên các đối thủ. Bởi vậy, các doanh nghiệp Hà Nội cần phải coi đổi mới sáng tạo là một trong những mục tiêu trọng yếu của mình.
Đồng hành với doanh nghiệp
Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội đã coi việc phát huy giá trị văn hóa, con người Hà Nội, coi đổi mới sáng tạo là nguồn động lực quan trọng, là nguồn lực nội sinh để thúc đẩy Thủ đô phát triển nhanh, bền vững với mục tiêu xây dựng Hà Nội ngày càng hiện đại, giàu đẹp và văn minh.
Hiện nay, thành phố đang triển khai thực hiện 10 chương trình công tác của Thành ủy trong nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó có Chương trình số 07-CTr/TU về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2025”. Đây là chương trình có tầm quan trọng đặc biệt, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, đưa Hà Nội trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo dẫn đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học công nghệ hàng đầu của khu vực Đông Nam Á trong một số lĩnh vực; trở thành đầu tàu của cả nước trong việc thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Tiến sĩ Đỗ Anh Đức (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) nhận định, để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, Hà Nội cần chú ý đến vai trò của các doanh nghiệp, phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Nền tảng của công cuộc đổi mới sáng tạo chính là con người. Do đó, các tổ chức cần đẩy mạnh hoạt động đào tạo nhằm thay đổi nhận thức về đổi mới sáng tạo, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ để có nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng làm chủ công nghệ.
“Mặt khác, cũng cần xây dựng, hỗ trợ “văn hóa sáng tạo” trong các doanh nghiệp. Luôn chủ động, sáng tạo để giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài và đi lên bằng nội lực để tăng sức cạnh tranh”, Tiến sĩ Đỗ Anh Đức nhấn mạnh.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn cho biết, Hà Nội đang tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo để khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao và làm chủ công nghệ mới; hình thành và phát triển nền tảng đổi mới sáng tạo mở để tăng cường liên kết, kết nối hạ tầng nghiên cứu của các tổ chức khoa học và công nghệ trung ương, Hà Nội.
“Cùng với đó, Hà Nội đang từng bước xây dựng “Mạng lưới sáng kiến Thủ đô” và phát huy vai trò “Thành phố sáng tạo” nhằm liên kết chặt chẽ giữa các nhà quản lý, đội ngũ trí thức và doanh nhân nhằm phục vụ, giải quyết các vấn đề đặc thù trong quá trình phát triển Thủ đô”, ông Nguyễn Hồng Sơn cho hay.