Tạo thói quen đọc sách cho trẻ
Văn hóa - Ngày đăng : 19:33, 24/04/2023
Muốn trẻ ham đọc, trước hết cần phải giữ được chúng ở lại với trang sách, như một hoạt động tự nhiên, một niềm yêu thích thực sự.
Từ kinh nghiệm thực tế, tôi nhận ra, nếu cha mẹ không đọc sách, thật khó để hy vọng trẻ con sẽ gắn bó với sách. Vậy nên, bí quyết ở ngay trong gia đình, nơi cha mẹ là tấm gương cho con trẻ. Từ khi đứa trẻ biết cảm nhận cuộc sống xung quanh, thay vì việc mở điện thoại, ti vi để thu hút sự chú ý của con, có lẽ, chúng ta cần mang tới cho chúng những cuốn sách. Ban đầu chỉ là những cuốn sách nhỏ, đơn giản, khi trẻ chưa biết đọc, hãy nhấn mạnh vào hình ảnh. Đó là cơ hội đầu tiên để hành trình đến với sách của trẻ được tiếp nối. Sách trở thành đồ chơi, thành bạn, ngay từ những năm tháng đầu đời, đánh dấu ấn tượng đặc biệt trong ký ức của trẻ.
Cha mẹ cần phải đọc sách. Ban đầu, có thể là cùng con chơi với sách, xem hình ảnh, màu sắc, hình khối, nhân vật trong sách (khi trẻ chưa biết đọc). Trẻ sẽ cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ thông qua việc chơi cùng với sách. Khao khát, chờ đợi tình yêu thương của cha mẹ, khiến cho việc tiếp cận sách trở thành một đòi hỏi tự nhiên, khẩn thiết, khác với việc một mình chăm chú vào màn hình máy tính, điện thoại, ti vi. Như thế, điều quan trọng chưa phải là sách, mà là sự quan tâm, yêu thương của cha mẹ gửi trong những trò chơi với sách. Đó là cơ sở cho sự gắn bó với sách.
Những cuốn sách hóa thân thành bạn bè, giống như búp bê, siêu nhân hay những đồ chơi khác. Các bố mẹ cũng đừng ngại những cuốn sách bị xé, bị rách, bị lấm lem sáp mầu, bởi lẽ, điều đó chứng thực cho việc trẻ dành nhiều thời gian cho sách. Theo thời gian, một ngày con sẽ biết nâng niu những cuốn sách mà mình yêu thích.
Đọc sách cho con là giai đoạn không thể bỏ qua trên hành trình tạo lập thói quen hưởng thụ sách của trẻ. Trước giờ đi ngủ, những khi rảnh rỗi, nên tranh thủ đọc cho con nghe những trang sách mà cha mẹ muốn con thấm thía dần dần. Tựa như lời ru, những câu chuyện, bài thơ trong sách, qua giọng đọc trìu mến, ân cần của cha mẹ sẽ từng bước gieo vào tâm hồn thơ trẻ cảm xúc mới mẻ với sách. Giọng đọc và câu chuyện trong sách trở thành cầu nối của yêu thương, cũng là hiện thân của yêu thương. Trẻ con luôn chờ đợi điều đó.
Tiến thêm một bước, khi trẻ biết đọc, cha mẹ phải đọc sách cùng con. Không chỉ là đọc cho con như trước, mà là đọc cùng con, giúp con thấy cuốn sách đó hay, có giá trị. Hãy bắt đầu với những cuốn sách về tình cảm gia đình như “Trong gia đình”, “Không gia đình”, “Cây cam ngọt của tôi”...; những cuốn sách kích thích trí tưởng tượng và mơ ước của trẻ như truyện cổ tích về các bà tiên, các nàng công chúa, các vị thần, những người anh hùng, những hành động cao cả...
Đọc sách cùng con, có thể không cần đọc cùng một cuốn. Hãy ngồi xuống, đọc cuốn sách của mình, và đưa cho con một cuốn sách, hoặc yêu cầu con chọn một cuốn sách, chúng ta cùng đọc. Điểm nhấn ở đây chính là không khí của việc đọc sách. Khi trẻ thấy cha mẹ đọc sách, ngồi bên cạnh con, với thái độ vừa thân mật vừa nghiêm túc, trẻ sẽ thấy việc đó thật “chững chạc”, ra dáng. Cha mẹ cần bộc lộ thái độ của mình với việc con đọc sách, cổ vũ, động viên và đặc biệt là ưu tiên thời gian cho con đọc sách. Trẻ em vốn rất nhạy cảm, chúng hiểu rằng, nếu đọc sách, cha mẹ sẽ ở đây cùng con, sẽ yêu thương, khích lệ thay vì quở trách như khi xem ti vi hay cắm cúi vào điện thoại. Những điều ấy, tưởng là nhỏ nhặt, nhưng hiệu quả thực sự to lớn.
Để tạo lập thói quen đọc sách cho trẻ, mỗi gia đình cần có một tủ sách. Hãy cố gắng tạo cho con tủ sách riêng với những cuốn sách mà con yêu thích, đó là bước tiến lớn để hình thành thói quen, đọc, tìm, sắp xếp sách vở. Trong những sự kiện từ sinh nhật đến những ngày lễ, khai giảng hoặc bế giảng năm học, hoặc khi con đạt thành tích trong học tập..., chúng ta đều có thể đánh dấu bằng cách tặng cho con những cuốn sách với lời đề tặng ý nghĩa, giúp con cảm nhận được tình cảm mà mẹ cha dành cho chúng.
Hãy dành thời gian đưa con đến các thư viện, nhà sách. Tiến thêm một bước, khi cha mẹ trao đổi cùng con những vấn đề, câu chuyện, nhân vật trong sách, giải đáp câu hỏi của con, hỏi con những điều liên quan, điều đó sẽ hướng tâm trí của trẻ về những cuốn sách. Điều quan trọng là, con cảm thấy, nếu đọc sách, cha mẹ sẽ quan tâm hơn, nói chuyện cùng con nhiều hơn thay vì để mặc con với thế giới của riêng mình.
Trong dòng chảy gấp gáp của đời sống, những cuốn sách thực sự là người bạn, người thầy, là tri thức và là thế giới đồng hành cùng trẻ em. Tôi vẫn thường nói với các con của mình rằng, ngay cả khi không có ai bên cạnh, trong sự cô đơn, con vẫn còn những cuốn sách - người bạn thủy chung.