Chi tiêu quốc phòng toàn cầu tăng lên mức cao kỷ lục trong năm 2022

Thế giới - Ngày đăng : 12:16, 24/04/2023

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, chi tiêu quân sự toàn cầu năm 2022 đã tiếp nối đà tăng 8 năm liên tiếp, lên mức 2.240 tỷ USD - tương đương 2,2% tổng sản phẩm nội địa của thế giới.

Theo công bố mới đây của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), chi tiêu quốc phòng của toàn thế giới đã tăng lên mức cao kỷ lục trong năm 2022.

Số liệu của SIPRI ngày 23-4 đưa ra cho thấy, mức chi tiêu quân sự toàn cầu năm 2022 đã tiếp nối đà tăng 8 năm liên tiếp, lên mức 2.240 tỷ USD - tương đương 2,2% tổng sản phẩm nội địa (GDP) của thế giới. 

Con số thống kê này không tính tỷ lệ lạm phát mạnh và do vậy chi tiêu trên thực tế có thể còn cao hơn. 

Trong đó, chi tiêu quân sự của châu Âu vào năm 2022 đã tăng 13%, đạt 480 tỷ USD - đánh dấu mức tăng trưởng cao nhất trong 30 năm gần đây.

Nhận định của tổ chức có trụ sở tại Thụy Điển cho rằng, nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng lớn nhất về chi tiêu quân sự hằng năm ở châu Âu kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc là do cuộc xung đột Nga-Ukraine. 

Cùng đó, theo SIPRI sự gia tăng đáng kể trong chi tiêu quốc phòng hàng năm toàn cầu cũng chủ yếu liên quan đến chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.

Nhiều quốc gia đã tăng cường ngân sách quốc phòng và lên kế hoạch chi tiêu cho quân sự nhiều hơn trong bối cảnh căng thẳng gia tăng.

Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Saudi Arabia là những nước dẫn đầu thế giới về chi tiêu quân sự. Các quốc gia này lần lượt chiếm 39%, 13%, 3,9%, 3,6% và 3,3% chi tiêu quân sự của thế giới. 

Theo các chuyên gia SIPRI, chi tiêu quân sự của Nga ước tính đã tăng 9,2%, lên mức 86,4 tỷ USD, mặc dù vậy con số này là "không chắc chắn."

Còn chi tiêu quân sự của Ukraine tăng 640% - mức tăng hằng năm cao nhất ở một quốc gia kể từ năm 1949, thời điểm SIPRI bắt đầu thống kê chi tiêu quốc phòng toàn cầu.

Trong báo cáo thống kê mới nhất này, ngân sách quốc phòng của Ukraine lên tới 44 tỷ USD - tương đương 1/3 GDP của nước này, trong đó chưa kể tới số lượng lớn viện trợ quân sự do phương Tây cung cấp.

SIPRI ước tính viện trợ quân sự mà Washington dành cho Kiev chiếm 2,3% tổng chi tiêu quân sự của Mỹ trong năm 2022.

Trước đó, Giám đốc SIPRI - ông Dan Smith - đã cảnh báo về một vòng xoáy tái vũ trang do những diễn biến mới nhất trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Phát biểu trên tờ NOZ của Đức, ông Smith nhấn mạnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày nay đã chi rất nhiều tiền cho vũ khí và chính điều này dẫn tới tình trạng nguy hiểm như hiện nay.

Ông cho rằng nếu NATO muốn hoạt động hiệu quả hơn ở châu Âu, tổ chức này cần được tổ chức tốt hơn, cơ cấu lại lực lượng của các nước thành viên, thay vì chỉ đơn thuần “bơm tiền” mua vũ khí.

Ông cảnh báo: "Chúng ta có những khoản chi tiêu quân sự khủng khiếp như vậy trên toàn thế giới, trong khi có rất nhiều lĩnh vực có thể được tài trợ từ số tiền đó".

Theo Thanh Phương/TTXVN/Vietnam+