Cẩn thận là đúng
Thể thao - Ngày đăng : 06:06, 24/04/2023
Liên tiếp xảy ra “sự cố”
Cách đây ít tháng, Tổng cục Thể dục thể thao (TDTT) thông tin về 5 VĐV Việt Nam tham dự SEA Games 31 có kết quả dương tính với doping. Danh tính VĐV không được thông tin chi tiết, theo đúng quy định của Cơ quan phòng chống doping thế giới (WADA). Các VĐV này cũng đã có buổi giải trình với WADA. Sự đã rồi, quan trọng là người trong cuộc rút ra được bài học gì từ đó.
Bàn về “sự cố” nói trên, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Đặng Hà Việt cho rằng, dù đã được tập huấn, tuyên truyền về doping song chính người trong cuộc cũng không lường hết tình huống dẫn đến các vụ dương tính với chất cấm, trong đó có việc mua và sử dụng các loại thực phẩm chức năng không phải từ hãng được WADA công nhận. Điều đáng chú ý là với những loại thực phẩm chức năng này, thành phần liên quan đến doping không được ghi trên vỏ hộp.
Ngoài 5 trường hợp nói trên, trước khi SEA Games 31 diễn ra, sau buổi tự kiểm tra, đội tuyển thể hình có 6 VĐV được xác định có mẫu thử dương tính với doping. Các VĐV này đã bị loại khỏi danh sách chuẩn bị cho SEA Games 31.
Sau SEA Games 31, đặc biệt là khi có thông tin về việc thêm 5 VĐV dương tính với doping, ngành Thể thao càng đẩy mạnh việc tuyên truyền về phòng, chống doping, tập trung ở các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia. Tuy nhiên, ở các địa phương, vấn đề này tùy thuộc vào nhận thức của nhà quản lý và chính các HLV, VĐV. Có lẽ bởi thế mà ở Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ 9 - 2022, không quá ngạc nhiên khi thông tin mới nhất cho thấy có ít nhất 8 trường hợp ở môn cử tạ, thể hình (không thuộc thành phần đội tuyển quốc gia) dương tính với chất kích thích. Đáng chú ý, tại Đại hội này, Ban tổ chức chỉ lấy hơn 200 mẫu thử doping, chủ yếu là với VĐV giành huy chương để gửi đi xét nghiệm ở Trung tâm xét nghiệm doping tại Thái Lan. Thế nên, tỷ lệ dương tính với doping này được xem là cao. Đó cũng là con số đáng suy ngẫm về ý thức phòng, chống doping của nhà quản lý, VĐV, HLV, đặc biệt là tại các địa phương.
Tránh xa nguy cơ
Thông tin từ Tổng cục TDTT cho thấy, để chuẩn bị cho SEA Games 32 tới đây, công tác phòng, chống doping được đặc biệt quan tâm, bởi nếu xảy ra ca dương tính thì không chỉ hình ảnh, uy tín của thể thao Việt Nam bị ảnh hưởng xấu, mà quan trọng hơn là sự nghiệp sau này của VĐV bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hơn nữa, nếu VĐV giành huy chương bị dương tính với chất cấm thì đương nhiên sẽ bị tước huy chương, vị trí trên bảng xếp hạng toàn đoàn của thể thao Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Đó là điều cần lưu ý kỹ càng bởi tại SEA Games 32, sự cạnh tranh vị trí thứ Ba toàn đoàn mà đoàn Việt Nam nhắm tới được dự báo hết sức khốc liệt.
Tại SEA Games 32, theo thông tin từ nước chủ nhà, công tác phòng, chống doping sẽ được siết chặt. Đây sẽ là kỳ SEA Games thực hiện quy định liên quan tới doping nghiêm ngặt nhất từ trước đến nay. Ban tổ chức Đại hội dự kiến lấy khoảng 1.500 - 2.000 mẫu thử doping. Đáng chú ý, không chỉ VĐV giành HCV, HCB, HCĐ mới phải kiểm tra doping mà bất kỳ VĐV nào cũng có thể được lựa chọn ngẫu nhiên để lấy mẫu thử. Ban tổ chức cảnh báo, VĐV không được từ chối lấy mẫu thử trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Hiện tại, danh sách chất cấm mới nhất năm 2023 do WADA ban hành đã được gửi đến đoàn Việt Nam.
Trong thời gian qua, tại Việt Nam, các buổi tập huấn về phòng, chống doping liên tục được tổ chức ở các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia. Theo HLV đội vật tự do Phạm Đức Khang, các HLV luôn nhắc nhở VĐV trong đội về việc sử dụng thực phẩm chức năng cũng như các loại thuốc; tất cả đều phải báo cáo với bộ phận y tế cũng như ghi nhật ký về việc này. Còn VĐV Quách Công Lịch (đội tuyển điền kinh) cho hay, giờ đây, các VĐV không tự ý dùng thực phẩm chức năng mà đều thông qua bộ phận y tế ở Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội. Các VĐV liên tục nhắc nhau về việc sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng để tránh “mất nghiệp” vì những lý do “trên trời”.
Theo Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1 (Tổng cục TDTT), Phó đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 32 Hoàng Quốc Vinh, tất cả đều rõ tác hại của doping và đây là nội dung quan trọng trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games 32. Tất nhiên, chỉ riêng lãnh đạo, nhà quản lý đội hiểu vấn đề thì chưa đủ, điều cần là ý thức chuyên nghiệp từ chính HLV, VĐV. Chỉ có tuân thủ nghiêm quy định về sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng... thì mới có thể phòng tránh triệt để nguy cơ dương tính với doping.
SEA Games 32 đã cận kề. Nhà quản lý, HLV, VĐV giờ đều đã hiểu rõ về tầm quan trọng của việc phòng, chống doping và biết rằng cẩn thận là không thừa. Hy vọng rằng, Đoàn Thể thao Việt Nam sẽ có một kỳ SEA Games 32 không doping.