Giảm nỗi lo từ công trình chống lũ
Công nghệ - Ngày đăng : 07:43, 24/04/2023
Là thành phố trong sông, Hà Nội có gần 627km đê từ cấp V đến cấp đặc biệt và hơn 144km đê bao, đê bối, đê chuyên dùng. Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai (Sở NN&PTNT Hà Nội) Phạm Quang Đông, nhờ được Nhà nước quan tâm đầu tư, nên các tuyến đê của Hà Nội hiện nay đều bảo đảm cao trình chống lũ thiết kế. Tuy nhiên, do nhiều tuyến đê khô, nhiều năm chưa trải qua thử thách với lũ, chứa đựng nhiều ẩn họa khó lường. Cụ thể, trên các tuyến đê hiện còn 146 vị trí với tổng chiều dài khoảng 31,6km cần phải theo dõi mạch đùn, mạch sủi; 38 vị trí với tổng chiều dài gần 197km đê có khả năng xuất hiện tổ mối; 45 vị trí với tổng chiều dài 29,8km đê sát sông, có diễn biến sạt lở cần phải theo dõi và đầu tư xây dựng công trình. Đặc biệt, trên các tuyến đê có 37 cống dưới đê bị hư hỏng cần phải sửa chữa, hơn 30km kè bảo vệ đê sông đang có diễn biến sạt lở, cần sửa chữa...
Trên cơ sở đánh giá hiện trạng công trình đê điều trước mùa lũ, Sở NN&PTNT Hà Nội xác định, tại các tuyến đê của Hà Nội vẫn còn 5 trọng điểm cần xây dựng phương án bảo vệ trong mùa mưa bão năm 2023. Đó là khu vực đê, kè, cống Xuân Canh - Long Tửu nằm trên tuyến đê tả Đuống (huyện Đông Anh); cống Liên Mạc nằm trên tuyến đê hữu Hồng (quận Bắc Từ Liêm); cống Cẩm Đình nằm trên đê Vân Cốc (huyện Phúc Thọ); khu vực đê, kè, cống Tân Hưng - Cẩm Hà, Hiệu Chân nằm trên đê hữu sông Cầu (huyện Sóc Sơn); khu vực kè Liên Trì trên đê hữu Hồng, đoạn thuộc địa bàn xã Liên Hà (huyện Đan Phượng). Bên cạnh đó, trên các tuyến đê: Hữu Đà, hữu Hồng, tả Hồng, hữu Đuống, tả Đuống của thành phố Hà Nội còn 13 điểm xung yếu.
Để chủ động trong công tác hộ đê, phòng, chống lũ, bão năm 2023, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra đối với những vùng được đê bảo vệ, ngày 14-4, thành phố đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã phối hợp với Sở NN&PTNT và các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện các gói thầu thi công khắc phục sự cố, hư hỏng công trình đê điều xảy ra trên địa bàn; xây dựng, phê duyệt và triển khai trên thực tế phương án hộ đê đối với từng tuyến đê, từng khu vực trọng điểm, điểm xung yếu theo phương châm “4 tại chỗ”; đồng thời, phối hợp, hiệp đồng với lực lượng quân đội đóng trên địa bàn để chuẩn bị hộ đê theo phương án và kế hoạch được phê duyệt.
Cùng với nhiệm vụ trên, các quận, huyện, thị xã kiểm tra, đánh giá chất lượng các cống dưới đê, phát hiện các cống yếu, cống bị hư hỏng để sửa chữa, hoành triệt tạm thời, hoặc hoành triệt vĩnh viễn các cống không bảo đảm an toàn. Các quận, huyện, thị xã tổ chức diễn tập phương án hộ đê, kiểm tra việc chuẩn bị vật tư, lực lượng, hậu cần, phương tiện, kỹ thuật, chỉ huy và thông tin hai chiều để bổ sung kịp thời những thiếu sót, tồn tại trong phương án; thực hiện tốt việc tập huấn cho các lực lượng tham gia công tác hộ đê, đặc biệt là lực lượng quân đội đóng quân trên địa bàn...
Sở NN&PTNT Hà Nội xây dựng phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm, điểm xung yếu, làm cơ sở để tổ chức thực hiện ngay trong năm 2023; khẩn trương đề xuất nội dung, phương án phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, phương án phát triển hệ thống đê điều trên địa bàn thành phố...
Thực hiện chỉ đạo của thành phố, các quận, huyện, thị xã đã triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống thiên tai, hộ đê năm 2023. Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng cho biết, huyện đã phân công các lực lượng theo dõi chặt chẽ, kịp thời mọi diễn biến sự cố, thiên tai; chủ động huy động mọi nguồn lực xử lý các sự cố ngay từ khi mới phát sinh, bảo đảm an toàn đê điều trong mùa mưa lũ năm 2023.
Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh thông tin, huyện đã có kế hoạch phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, nhằm ứng phó kịp thời, khắc phục nhanh, hiệu quả các tình huống thiên tai, bảo đảm an toàn về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân...