Giao tranh diễn biến phức tạp tại Sudan: Cần sớm tháo ''ngòi nổ'' xung đột
Thế giới - Ngày đăng : 07:16, 24/04/2023
Giao tranh tạm lắng trong 3 ngày (từ ngày 21-4) sau những lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế về một thỏa thuận ngừng bắn vào cùng khoảng thời gian diễn ra lễ Eid al-Fitr, kết thúc tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo. Tuy nhiên, diễn biến này chưa thể xoa dịu những lo lắng của cộng đồng quốc tế về một điểm nóng mới.
Giao tranh giữa RSF và lực lượng quân đội Sudan nổ ra từ ngày 15-4 tại thủ đô Khartoum và một số nơi khác, đã khiến ít nhất 400 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương. Xung đột phát sinh sau khi lực lượng của Tướng Abdel Fattah Burhan, người đứng đầu quân đội Sudan (ASF) và Tướng Mohammed Hamdan Dagalo, thủ lĩnh RSF, cùng thực hiện cuộc đảo chính quân sự và cùng giành quyền kiểm soát đất nước. Theo giới quan sát, xung đột có thể lan rộng thành nội chiến nếu không được dập tắt kịp thời.
Ngày 23-4, Hãng tin AP cho biết, tất cả nhân viên ngoại giao Mỹ cùng gia đình đã rời khỏi Sudan. Nhiều quốc gia cũng đang tìm cách sơ tán công dân khỏi Sudan do các cuộc giao tranh.
Đáng lo ngại hơn, ảnh hưởng từ rắc rối tại Sudan được cho là sẽ không giới hạn ở nội bộ nước này. Theo giới phân tích, Sudan - quốc gia lớn thứ 3 của châu Phi, có vị trí địa lý quan trọng, khi giáp với 5 nước bao gồm Libya, Chad, Cộng hòa Trung Phi, Eritrea và Nam Sudan. Các nước này hầu hết đều đã sa lầy trong xung đột nội bộ, với các nhóm nổi dậy khác nhau hoạt động dọc theo biên giới. Như thế, những gì đang diễn ra ở Sudan có nguy cơ kéo theo sự hỗn loạn ở các nước láng giềng, trong đó đặc biệt rủi ro là Chad và Nam Sudan.
Khi giao tranh càng kéo dài, nhiều khả năng xung đột sẽ trở thành cuộc chiến ủy nhiệm. Hiện Sudan, cùng với Ai Cập và Ethiopia đang cố gắng duy trì tiếng nói trong vấn đề sông Nile. Trong khi Ai Cập dựa vào sông Nile để nuôi dưỡng hơn 100 triệu dân, Ethiopia xây dựng một con đập khổng lồ ở thượng nguồn khiến Cairo và Khartoum đứng ngồi không yên. Trong bối cảnh Ai Cập có quan hệ chặt chẽ với quân đội Sudan, vốn được coi là đồng minh đối đầu với Ethiopia, Cairo chắc chắn sẽ không “ngồi yên” nếu lực lượng này đối mặt với thất bại.
Cùng với đó, trong những năm gần đây, các quốc gia vùng Vịnh đều hướng đến vùng Sừng châu Phi trong bối cảnh nỗ lực mở rộng sức ảnh hưởng trên toàn khu vực. Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), một cường quốc quân sự đang lên, có mối quan hệ chặt chẽ với RSF. Lực lượng bán quân sự này từng gửi máy bay chiến đấu để hỗ trợ UAE và Saudi Arabia trong cuộc chiến chống lại lực lượng Phong trào Houthi ở Yemen.
Những khó khăn kinh tế của Sudan được cho là sẽ tạo cơ hội cho các quốc gia bên ngoài sử dụng đòn trừng phạt kinh tế để gây sức ép. Nước này vốn bị cô lập trên trường quốc tế từ khi chứa chấp Osama bin Laden và các tay súng Hồi giáo cực đoan vào những năm 1990. Sự cô lập trở nên sâu sắc khi xung đột nổ ra ở khu vực phía Tây Darfur vào những năm 2000. Cùng với tác động tiêu cực từ xung đột ở Ukraine và lạm phát toàn cầu, nền kinh tế Sudan đã sụp đổ.
Trong khi lối thoát cho sự cố lần này còn chưa rõ ràng, người dân Sudan tiếp tục gánh chịu những ảnh hưởng nặng nề. Thực tế, hàng tỷ USD cho vay và viện trợ đã bị hoãn lại sau cuộc đảo chính quân sự năm 2021. Theo Liên hợp quốc, hiện có khoảng 15,8 triệu người tại Sudan - tương đương 1/3 dân số, cần được hỗ trợ nhân đạo, đặc biệt khi ít nhất 20 bệnh viện tại Khartoum đã phải đóng cửa.
Trong bối cảnh như vậy, dù sẽ vấp phải muôn vàn khó khăn, tháo gỡ “ngòi nổ” xung đột là điều cần ưu tiên nhất đối với Sudan lúc này. Nếu không, những hệ lụy của nó sẽ lan rộng, đẩy khu vực vốn đã tiềm ẩn nhiều bất ổn càng lún sâu vào hỗn loạn.