Phòng cháy, chữa cháy tại khu dân cư: Cần có quy định đặc thù
Đời sống - Ngày đăng : 06:09, 24/04/2023
Thực tế đáng lo ngại
Theo thống kê của Công an thành phố Hà Nội, thành phố hiện có 436/5.362 khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao; 159.780 cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy (19.575 cơ sở phân cấp cho cơ quan Công an quản lý, 140.205 cơ sở phân cấp cho UBND cấp xã quản lý), trong đó 8.261 cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ.
Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội) đánh giá, tiến độ xử lý đối với các công trình trong khu dân cư không bảo đảm yêu cầu theo Luật Phòng cháy và chữa cháy vẫn còn chậm do gặp nhiều bất cập, vướng mắc; việc xử lý, cưỡng chế đối với các công trình vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong lĩnh vực đầu tư xây dựng chưa triệt để. Còn xảy ra tình trạng các công trình vi phạm về quy hoạch, trật tự xây dựng - đô thị dẫn đến vi phạm về phòng cháy, chữa cháy và khó tổ chức khắc phục.
Thực tế, đã xảy ra nhiều vụ cháy trong khu dân cư gây thiệt hại nghiêm trọng, đơn cử như vụ cháy xảy ra ngày 12-4-2019 tại 900m2 nhà xưởng ở phố Đại Linh (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) khiến 8 người chết; vụ cháy xảy ra ngày 1-8-2022 tại quán karaoke Isis (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy) khiến 3 cán bộ, chiến sĩ Công an quận Cầu Giấy hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.
Theo Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Bùi Tuấn Anh, cơ quan chức năng qua kiểm tra đã tiến hành xử lý vi phạm, kiến nghị khắc phục các lỗi vi phạm về an toàn phòng cháy, chữa cháy, nhưng nhìn chung không có sự chuyển biến.
Phù hợp với từng địa bàn khu dân cư
Để giải quyết căn cơ những tồn tại, bất cập, thành phố đã thống nhất chủ trương xây dựng Đề án tổng thể nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trình Thường trực Thành ủy và báo cáo HĐND thành phố thông qua để UBND thành phố ban hành theo thẩm quyền. Dự thảo đề án đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, 100% khu dân cư bảo đảm tiêu chí khu dân cư an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Với mục tiêu này, một số ý kiến cho rằng, nếu căn cứ theo quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy sẽ gây khó khăn cho nhiều địa phương, đặc biệt là khu vực nội thành. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Nguyễn Trung Dũng, một số khu dân cư hiện chưa đáp ứng điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy vì các nhà ở trong khu dân cư được xây dựng liền kề tạo thành ngõ sâu dài vài trăm mét, đường đi nhỏ, nguồn nước tại chỗ hạn chế gây khó khăn trong triển khai hoạt động chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Do đó, tiêu chí khu dân cư an toàn phòng cháy, chữa cháy cần có quy định đặc thù của khu vực đô thị lớn, mật độ dân cư cao.
Còn theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong, đối với các công trình vi phạm tồn tại trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực thuộc diện di dời khỏi khu dân cư cần được đồng bộ về chủ trương, chính sách pháp luật liên quan, trong đó cần sớm phê duyệt điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, việc huy động nguồn lực, bố trí nguồn vốn thực hiện trong khi công tác di dời đỏi hòi nhu cầu vốn ngân sách rất lớn (khoảng 2.600 tỷ đồng đối với các công trình thuộc vốn ngân sách), cần sự chủ động, phối hợp thực hiện của các cơ quan liên quan…
Chủ tịch Hiệp hội Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Việt Nam Nguyễn Đỗ Tùng Cương cho rằng, Hà Nội cần có cơ chế, chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư, tham gia hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại khu dân cư.
Về vấn đề này, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn giao UBND các quận, huyện, thị xã xử lý dứt điểm đối với các công trình xây dựng trái phép, sai phép; chỉ đạo các lực lượng chức năng giám sát chặt chẽ, không để tình trạng cơ sở, công trình đã bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động do vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy nhưng vẫn hoạt động. Đồng thời, vận động 100% hộ gia đình trang bị phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; lựa chọn các mô hình (Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy; điểm chữa cháy công cộng; khu chung cư, tập thể an toàn phòng cháy, chữa cháy) phù hợp đặc điểm, tính chất nguy hiểm về cháy, nổ đối với từng địa bàn khu dân cư để thành lập, triển khai.
Có thể khẳng định, đề án sau khi được ban hành sẽ tạo hành lang pháp lý cùng với cơ chế vận hành thống nhất, đồng bộ; khai thác tối đa nguồn lực nhằm tập trung phát triển cho công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Điều mà các địa phương, cơ sở mong muốn là, đề án cần có những quy định đặc thù, bảo đảm tính khả thi để từng bước tháo gỡ, giải quyết dứt điểm những tồn tại, bất cập, khó khăn, vướng mắc về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô.