Ngành Nông nghiệp ''chạy nước rút'' cuối năm
Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:46, 06/11/2022
Ổn định sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng
10 tháng năm 2022, trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất tăng mạnh..., ngành Nông nghiệp đã chủ động triển khai nhiều giải pháp ổn định sản xuất, ứng phó với biến động thị trường, thời tiết, dịch bệnh; đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm… Do vậy, tăng trưởng của ngành Nông nghiệp vẫn đạt 2,99%; năng suất, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu nhiều sản phẩm chủ lực, như cà phê, cao su, gạo, tôm, rau quả... tăng cao.
Tính đến hết tháng 10-2022, cả nước đã gieo cấy gần 7,1 triệu héc ta lúa, thu hoạch được 6,5 triệu héc ta, năng suất bình quân đạt 60,7 tạ/héc ta; về rau màu đã gieo trồng được hơn 950.000 ha ngô, 1,16 triệu héc ta rau...
Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường cho biết, với diện tích nêu trên, cùng với việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năng suất lúa, rau màu đều đạt cao, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân trong nước và xuất khẩu. Còn Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Tống Xuân Chinh thông tin, từ đầu năm đến nay, chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, đến nay, đàn lợn đạt hơn 28 triệu con, đàn gia cầm hơn 515 triệu con...
Với Hà Nội, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ, ngành Nông nghiệp Thủ đô đang phối hợp với các địa phương đẩy mạnh gieo trồng cây vụ đông, phấn đấu đạt 29.625ha, tập trung vào các loại giống mới, ngắn ngày, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để đạt hiệu quả kinh tế cao. Cùng với đó, thành phố tăng cường các giải pháp kiểm soát dịch bệnh gia súc, gia cầm để chăn nuôi phát triển ổn định.
Về phía doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hải Nam Nguyễn Thu Sắc cho biết, để đáp ứng nhu cầu tăng cao của thị trường, công ty đang đẩy mạnh sản xuất thủy sản để giữ đơn hàng cuối năm; đồng thời mở rộng thêm kênh bán hàng trực tuyến.
Chủ động ứng phó với thời tiết, dịch bệnh
Theo nhận định của Bộ NN&PTNT, trong 2 tháng cuối năm, thời tiết có nhiều diễn biến bất thường; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Trong khi đó, thị trường thế giới tiếp tục biến động, giá nhiên liệu, vật liệu sản xuất sẽ tác động đến thị trường hàng hóa trong nước, chi phí vận chuyển sẽ tăng mạnh...
Tổng Giám đốc Công ty Bảo Minh Bùi Thị Hạnh Hiếu cho biết, công ty đang liên kết sản xuất lúa gạo với nông dân trên diện tích hơn 20.000ha tại 20 tỉnh, thành phố; đồng thời đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để tạo ra sản phẩm gạo chất lượng cao phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu theo các đơn đặt hàng.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 2,5-3% trong năm nay, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ thông tin, Sở sẽ phối hợp với địa phương của thành phố triển khai các giải pháp chăm sóc, phòng trừ dịch hại, bảo vệ cây trồng; chủ động triển khai kế hoạch sản xuất trên cơ sở điều chỉnh phù hợp về cơ cấu cây trồng, diện tích gieo trồng... Cùng với đó, tăng cường hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi đẩy nhanh tái đàn, nâng cao hiệu quả sản xuất nhằm bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm; đồng thời thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết...
Cũng về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên Đỗ Minh Tuân cho biết, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục cơ cấu lại lĩnh vực trồng trọt theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; đồng thời thu hút các dự án đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, thúc đẩy việc đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất tạo ra các sản phẩm an toàn, hiệu quả kinh tế cao.
Để tháo gỡ khó khăn, đạt mục tiêu tăng trưởng toàn ngành, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã yêu cầu các sở NN&PTNT tiếp tục theo dõi tình hình sản xuất lúa và rau màu, kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó với tác động tiêu cực của thời tiết, bảo đảm sản lượng, ổn định thị trường trong nước dịp cuối năm và phục vụ xuất khẩu. Với lĩnh vực chăn nuôi, cần theo dõi tình hình dịch bệnh ở các địa phương, đặc biệt đối với dịch bệnh nguy hiểm, như: Bệnh Dịch tả lợn châu Phi, tai xanh, cúm gia cầm...; đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định. Với nuôi trồng thủy sản, các địa phương tập trung phát triển các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao theo hướng nâng cao giá trị thương mại và phát triển bền vững. Về dài hạn, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung các giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn.