Nỗ lực đưa “chất Việt” lên màn ảnh rộng
Giải trí - Ngày đăng : 13:41, 23/04/2023
Phục dựng làng chiếu để làm phim
Dự kiến ra mắt vào dịp 30-4 này, bộ phim “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh” của Lý Hải đang gây chú ý bởi thông tin anh “chơi lớn” khi phục dựng cả một làng nghề để làm phim. Trước đó, Lý Hải hứa hẹn: “Tôi sẽ quay lại miền Tây nhưng không giống với hình ảnh miền Tây ở “Lật mặt: 48h”, mà là một miền Tây rất khác”. Và anh đã làm người xem phải bất ngờ...
“Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh” kể câu chuyện về một nhóm bạn thân lớn lên cùng nhau ở làng chiếu truyền thống. Sóng gió ập đến khi cả nhóm bỗng "trúng số" với khoản tiền thưởng mấy trăm tỷ... Với bối cảnh chính là làng chiếu, đạo diễn Lý Hải quyết định chi tiền tỷ để phục dựng làng chiếu Định Yên (Đồng Tháp). Lý Hải cho biết, khi xây dựng kịch bản, anh đã muốn tìm một làng nghề truyền thống để làm bối cảnh chính cho phim. Sau khi tìm hiểu nhiều làng nghề truyền thống như đan giỏ lát, đan túi đệm, làm bánh tráng, làm bánh phồng..., Lý Hải "dừng chân" ở làng chiếu Định Yên.
Tuy nhiên, hiện nay, làng nghề truyền thống này đã dần mai một, hầu hết bà con lần lượt bỏ nghề, hàng loạt máy dệt đang trong tình trạng “đắp chiếu”. Điều này khiến đạo diễn xót xa và anh quyết định mang làng chiếu Định Yên lên màn ảnh rộng với hy vọng "phục dựng" lại thời vàng son và giới thiệu giá trị văn hóa đặc sắc của làng nghề thủ công này tới đông đảo công chúng.
Để có thể khôi phục và tái hiện hình ảnh những con đường làng chiếu chân thật như xưa, ê kíp làm phim phải xây dựng nhiều lò nhuộm lát và bãi sân phơi lát - phơi chiếu, cũng như tái hiện phiên chợ chiếu ngày - đêm. Bên cạnh đó, để bối cảnh thêm sống động, Lý Hải không ngần ngại “tất tay” mua hàng ngàn chiếc chiếu để phục vụ cho việc ghi hình. “Trên dưới 100.000 đồng một chiếc chiếu mà mình để đầy kho, nguyên cả một con đường làng thì bao nhiêu tiền cho đủ? Mình cũng khá lo nhưng sau khi chứng kiến quá trình một chiếc chiếu được dệt, Lý Hải thấy giá đó cực kỳ rẻ so với công sức người lao động bỏ ra. Chính vì vậy, Lý Hải quyết tâm làm bằng được” - đạo diễn của bộ phim chia sẻ.
Khi đoàn phim thực hiện cảnh quay tại khu chợ chiếu, rất đông người dân địa phương tới ủng hộ, khen ngợi bối cảnh giống hệt như xưa, khi làng chiếu còn hoạt động sôi nổi. Thậm chí, bà con còn sẵn sàng làm diễn viên quần chúng, tham gia ghi hình bất kể ngày đêm. Được biết, sau khi hoàn thành phần phim, Lý Hải đã tặng lại lò nhuộm lát cho người dân nơi đây để bất kỳ ai, nếu muốn, đều có thể sử dụng với hy vọng phần nào níu giữ nét tinh hoa của làng chiếu truyền thống.
“Chìa khóa” trăm tỷ
Thật ra, không phải đến “Lật mặt 6” thì Lý Hải mới chi tiền tỷ cho bối cảnh, mà trong cả chuỗi phim “Lật mặt”, mỗi phần phim đều có bối cảnh vô cùng đa dạng gắn với mục tiêu góp phần phục dựng nét đẹp văn hóa truyền thống. Chẳng hạn, với “Lật mặt” 1 và 3 là các địa danh ở Đà Lạt, Đắk Lắk; “Lật mặt 2” là các vùng tại Phan Thiết, Vĩnh Hy (Ninh Thuận); trong “Lật mặt 5”, anh xây dựng bối cảnh làng người Chăm với những căn nhà sàn mang đậm nét đẹp thời gian... Đạo diễn Lý Hải từng chia sẻ với Hànộimới Cuối tuần rằng anh muốn người xem nhìn là nhận ra “chất Việt" và theo anh, chính điều đó làm nên nét riêng cho phim, nhất là khi phát hành ra nước ngoài.
Thực tế, đó cũng là “chìa khóa” tạo nên thành công của nhiều bộ phim. Một vài ví dụ gần đây: Hai bộ phim có doanh số kỷ lục là “Bố già” và “Nhà bà Nữ” của Trấn Thành đều có bối cảnh là các con hẻm của người lao động bình dân ở thành phố Hồ Chí Minh. Một số phim được đánh giá rất cao về tính nghệ thuật, gặt hái thành công ở nhiều liên hoan phim lớn của thế giới năm 2022 như “Đêm tối rực rỡ” hay “Tro tàn rực rỡ” đều mang màu sắc bản địa rất mạnh.
Trong một cuộc hội thảo về bản sắc văn hóa dân tộc trong phim diễn ra cách đây vài năm, không ít đạo diễn, thậm chí cả cơ quan quản lý đều lo ngại rằng, khi chúng ta không còn phim do nhà nước sản xuất thì điện ảnh có nguy cơ xa rời bản sắc dân tộc. Nhưng, nhìn vào những bộ phim kể trên, có thể thấy hầu hết đều là các dự án phim thương mại hoặc phim độc lập, nhưng các nhà làm phim vẫn đặc biệt chú trọng tới tính bản địa. Điều này cho thấy, đây là một sự đúc rút từ vốn sống, kinh nghiệm làm phim để thành công, dù ở góc độ thương mại hay hướng tới các giải thưởng, của chính các đạo diễn chứ không phải là yêu cầu đặt hàng từ bất kỳ cơ quan nào.
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh từng nhận định rất đúng rằng: Trong thời đại công nghệ số, khi trí tuệ nhân tạo biết sáng tác nhạc, vẽ tranh hay viết kịch bản... thì chỉ có một thứ không thể nào bị nhận xét là vay mượn, đạo nhái, đó chính là bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia.