Bài cuối: Tích cực tham mưu, phục vụ
Chính trị - Ngày đăng : 06:54, 23/04/2023
Thực hiện nhiệm vụ với trách nhiệm cao nhất
Thông tin về công tác tham mưu, phục vụ, lãnh đạo các ban HĐND thành phố đều cho biết, công tác này chiếm đến hơn 70% thời gian của các Ban và luôn thực hiện với trách nhiệm cao. Theo đó, các ban đã chủ động tham mưu Đảng đoàn, HĐND thành phố triển khai các thông báo kết luận của đồng chí Bí thư Thành ủy, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy thuộc các lĩnh vực.
“Chỉ tính từ đầu năm 2022 đến nay, Ban đã tham mưu hơn 50 nội dung cho Đảng đoàn HĐND thành phố tại các cuộc họp Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, họp Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố; chủ trì tham mưu Thường trực HĐND thành phố giải quyết trên 58 nhiệm vụ phát sinh giữa hai kỳ họp, hầu hết là các nội dung UBND thành phố đề nghị Thường trực HĐND thành phố có ý kiến theo thẩm quyền và các nội dung chỉ đạo, điều hành các công việc chung của Thường trực HĐND thành phố”, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách Hồ Vân Nga cho biết.
Trong khi đó, Trưởng ban Đô thị Đàm Văn Huân thông tin, từ năm 2022 đến nay, Ban đã tham mưu Thường trực HĐND trình HĐND thành phố xem xét quyết định chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với 40 dự án thuộc lĩnh vực đô thị bảo đảm đúng quy định pháp luật.
Ban đã tham mưu nội dung cho Đảng đoàn, Thường trực HĐND thành phố cho ý kiến đối với các nội dung Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị; điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án ngoài ngân sách; Đồ án Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050…
Tương tự, Ban Pháp chế tham mưu với Đảng đoàn, Thường trực HĐND thành phố 25 nội dung, trong đó đã chủ động, tích cực tham mưu ban hành Đề án số 15-ĐA/TU ngày 12-5-2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2026 gắn với việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại thành phố Hà Nội”.
“Các ban đã tham mưu nhiều nội dung khác cho Thường trực HĐND thành phố trong các văn bản xin ý kiến Thành ủy, UBND thành phố; một số nội dung tại các hội nghị tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, hội nghị lãnh đạo thành phố làm việc với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã. Qua đó, giúp Thường trực HĐND thành phố xem xét, giải quyết nhiều vấn đề quan trọng, bức xúc của thành phố, đáp ứng yêu cầu tham mưu cho công tác lãnh đạo, điều hành chung của thành phố”, Trưởng ban Pháp chế Duy Hoàng Dương khẳng định.
Nên đưa vào quy định cụ thể
Với đặc điểm thành viên các ban đa số hoạt động kiêm nhiệm (mỗi ban chỉ có 4 đại biểu chuyên trách), giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt tại các cơ quan, đơn vị, do đó, lịch công tác còn phụ thuộc vào lịch làm việc của lãnh đạo thành phố nên một số cuộc giám sát, khảo sát tham gia chưa bảo đảm 100% số lượng. Thêm nữa, lĩnh vực các Ban phụ trách rộng, nhiều nội dung phức tạp, phát sinh đột xuất cần được xem xét, giải quyết.
Để hoàn thành được nhiệm vụ, ngay từ đầu năm, các Ban cũng dự báo những khó khăn tác động, để xây dựng chương trình công tác một cách khoa học, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm; khối lượng, nội dung chương trình công việc bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, phát huy được hiệu quả, chất lượng.
Đặc biệt, cần phát huy hiệu quả Quy chế phối hợp giữa Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026, phối hợp với các cơ quan liên quan.… nhằm làm rõ các quy trình, trách nhiệm giữa các cơ quan trong triển khai các nhiệm vụ của thành phố theo đúng chức năng, thẩm quyền. Ngoài ra, các Ban cũng mong muốn Đảng đoàn HĐND thành phố tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, bồi dưỡng, nâng cao tinh thần, ý thức trách nhiệm của đại biểu HĐND.
Để thúc đẩy hoạt động của cơ quan dân cử, các đại biểu chuyên trách các ban HĐND thành phố kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định mỗi Ban nên có 4 đến 5 đại biểu hoạt động chuyên trách (trưởng ban, 2 phó trưởng ban và các ủy viên chuyên trách). Trong xây dựng các luật chuyên ngành, cần quy định rõ thẩm quyền của HĐND, phù hợp với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của HĐND để bảo đảm HĐND thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.
Đối với Chính phủ, các Ban HĐND thành phố cũng kiến nghị, các bộ, ngành, các cơ quan thuộc Chính phủ tăng cường quan hệ phối hợp với HĐND để thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của HĐND về những nhiệm vụ có liên quan. Đề nghị Chính phủ quan tâm để đội ngũ cán bộ chính quyền, đặc biệt là cán bộ dân cử chuyên trách và đội ngũ cán bộ văn phòng giúp việc được hưởng chính sách phụ cấp như cán bộ Đảng, đoàn thể.
“Để chuẩn hóa hoạt động giám sát của HĐND thành phố, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đang xây dựng quy trình tổ chức hoạt động giám sát của HĐND, thường trực, các ban, tổ đại biểu, đại biểu HĐND thành phố khóa XVI (nhiệm kỳ 2021-2026). Quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong tham mưu, triển khai hoạt động giám sát. Tạo sự chuẩn hóa, đồng bộ, thống nhất trong chỉ đạo, triển khai, tham mưu xây dựng chương trình, kế hoạch và thực hiện hoạt động giám sát, chất vấn, giải trình của HĐND, thường trực HĐND, ban của HĐND, tổ đại biểu và đại biểu thành phố”, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định.