Hàng nghìn người dân nô nức trẩy hội chùa Tây Phương

Văn hóa - Ngày đăng : 14:10, 22/04/2023

(HNMO) - Ngày 22-4 (tức mùng 3 tháng Ba năm Quý Mão), UBND huyện Thạch Thất tổ chức Lễ khai hội chùa Tây Phương năm 2023.

Tham dự lễ khai hội có Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phạm Quí Tiên, Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Hà Nội Trần Đình Cảnh, Thượng tọa Thích Minh Tuấn - Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội, lãnh đạo huyện Thạch Thất, các xã, thị trấn trên địa bàn, cùng hàng nghìn người dân trong và ngoài huyện Thạch Thất về chùa lễ Phật, trẩy hội.

Các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội, huyện Thạch Thất, các nhà sư dâng hương lễ Phật và cầu quốc thái, dân an tại chùa Tây Phương.

Phát biểu khai mạc lễ hội chùa Tây Phương, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng cho biết: Lễ hội chùa Tây Phương là nét đẹp văn hóa truyền thống, sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Thạch Thất và du khách, phật tử thập phương. Việc tổ chức lễ khai hội chùa Tây Phương với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng là dịp để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về mảnh đất, con người và những giá trị di sản văn hóa đặc sắc của Thạch Thất.

Trong không khí tưng bừng của lễ hội chùa Tây Phương, truyền thống văn hóa tốt đẹp, tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư được nhân rộng và lan tỏa, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, nâng cao đời sống văn hóa cho nhân dân, góp phần xây dựng huyện Thạch Thất phát triển toàn diện, bền vững theo hướng đô thị xanh.

Các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội và huyện Thạch Thất tham quan danh thắng chùa Tây Phương.

Sau lễ khai hội, các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội, huyện Thạch Thất và các xã trong huyện cùng đông đảo nhân dân tổ chức dâng hương, cầu cho quốc thái dân an tại chùa Tây Phương.

Theo Ban tổ chức, lễ hội truyền thống chùa Tây Phương được tổ chức với quy mô cấp huyện. Thời gian diễn ra lễ hội từ ngày 20 đến hết ngày 29-4 (tức từ ngày 3 đến hết ngày 10 tháng Ba năm Quý Mão). Bên cạnh phần lễ ghi đậm dấu ấn văn hóa, tín ngưỡng thờ Phật của người Việt Nam, phần hội là sự kết hợp những nét văn hóa truyền thống dân tộc độc đáo với vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời qua nhiều hoạt động tiêu biểu như: Giao lưu văn nghệ quần chúng, các chương trình nghệ thuật dân gian như: Múa rối nước, đi cà kheo, hát chèo…

Nhân dân trong vùng nô nức trẩy hội và đón xem các trò rối nước biểu diễn tại lễ hội.

Trước đó, ngày 21-4, tại thủy đình trong khuôn viên chùa Tây Phương, Phường rối nước xã Thạch Xá đã biểu diễn rất nhiều tích trò rối hấp dẫn, thu hút sự theo dõi của hàng nghìn người dân và du khách.

Minh Phú