Hà Nội đẩy mạnh khai thác và phát triển tài sản trí tuệ
Xã hội - Ngày đăng : 06:57, 22/04/2023
- Ông có thể cho biết kết quả công tác sở hữu trí tuệ trên địa bàn thành phố Hà Nội trong năm qua?
- Trong năm qua, thành phố Hà Nội đã quan tâm chú trọng thực hiện các giải pháp về phát triển tài sản trí tuệ, đặc biệt là công tác hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của địa phương, xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với những sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP, xây dựng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý để phát huy danh tiếng, uy tín của sản phẩm, bảo hộ cho những người sản xuất, kinh doanh; bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng và góp phần thúc đẩy việc nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị hàng hóa của sản phẩm, đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030 (theo Quyết định số 3567/QĐ-UBND ngày 16-7-2021), Phòng Quản lý sở hữu trí tuệ (Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội) đã hướng dẫn và tiếp nhận 25 nhiệm vụ khoa học và công nghệ đề xuất thực hiện từ năm 2022; rà soát và lựa chọn 23 nhiệm vụ khoa học và công nghệ được phê duyệt và thực hiện bao gồm: 16 nhãn hiệu tập thể (Thủy sản Trầm Lộng, Gà đồi Đông Yên - Quốc Oai, Rượu làng Mai, Rèn Đa Sỹ, Bánh dày Quán Gánh, Bưởi ngọt Đồng Tiến, Ổi Kim An, Hoa đào Phù Trì, Hoa Tây Tựu, Rau an toàn Minh Tân, Rau an toàn Hà Hồi, Kiệu Yên Bình, Rau an toàn Duyên Hà, Rau an toàn Thanh Đa, Củ đậu Lệ Chi, Lụa Vạn Phúc); 6 nhãn hiệu chứng nhận (Du lịch Tích Giang, Vịt Phú Xuyên, Thịt lợn an toàn Ứng Hòa, Thịt lợn sinh học Quốc Oai, Bưởi Thạch Thất, Gạo Phú Xuyên); 1 chỉ dẫn địa lý Gà Mía - Sơn Tây.
Hướng dẫn và tham mưu lãnh đạo Sở trình UBND thành phố cho phép sử dụng 3 địa danh để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể gồm: Bánh chưng Tranh Khúc (Duyên Hà - Thanh Trì); đậu phụ Hồng Hà (Đan Phượng); đậu phụ Hạ Mỗ (Đan Phượng). Bên cạnh đó, đã tích cực hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tiến hành thủ tục bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp; tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về sở hữu trí tuệ. Trong năm 2022, Phòng Quản lý sở hữu trí tuệ đã tư vấn, hướng dẫn 20 tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục, tiến trình bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, cụ thể là 14 đơn nhãn hiệu, 2 đơn sáng chế và 3 đơn kiểu dáng công nghiệp.
Theo số liệu thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, đến hết tháng 11-2022, số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội là 12.194 đơn (chiếm 34,6% và đứng đầu cả nước), trong đó 444 đơn sáng chế, 192 đơn giải pháp hữu ích, 562 đơn kiểu dáng công nghiệp, 10.996 đơn nhãn hiệu. Số lượng bằng/giấy chứng nhận sở hữu công nghiệp đã được cấp đến hết tháng 11-2022 trên địa bàn thành phố là 10.326 (chiếm 33% và đứng thứ hai cả nước), trong đó 87 bằng sáng chế, 113 bằng giải pháp hữu ích, 341 bằng kiểu dáng công nghiệp, 9.785 giấy đăng ký nhãn hiệu.
Thành quả này đạt được là nhờ công tác tuyên truyền tập huấn, phổ biến kiến thức, chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ cũng như công các hướng dẫn xác lập quyền và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đã được tổ chức tốt và đều đặn. Trong năm 2022, Phòng Quản lý sở hữu trí tuệ đã phối hợp với các quận, huyện, thị xã tổ chức 7 lớp tập huấn về phổ biến chính sách pháp luật và kiến thức cơ bản về sở hữu trí tuệ cho cán bộ quản lý, người sản xuất, kinh doanh; đồng thời phối hợp với một số cơ quan báo chí tuyên truyền hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới...
- Ông có thể cho biết nhiệm vụ công tác sở hữu trí tuệ trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023?
- Chúng tôi sẽ tập trung tổ chức triển khai Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030. Cụ thể: Hướng dẫn và quản lý 51 nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố đang triển khai thực hiện; xây dựng và tổ chức các lớp tập huấn về xây dựng, quản lý tài sản trí tuệ cho quận, huyện, thị xã và các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn; tuyên truyền, hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới trên các phương tiện thông tin đại chúng; hướng dẫn tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế xác lập quyền về sở hữu công nghiệp và sáng kiến, cải tiến kỹ thuật... Ngoài ra, sẽ triển khai thực hiện kế hoạch Hỗ trợ đăng ký bảo hộ trong và ngoài nước đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu; đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030...
- Hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ năm nay, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội tổ chức các hoạt động thiết thực gì, thưa ông?
- Năm nay, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã lựa chọn chủ đề cho Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới là: “Phụ nữ với sở hữu trí tuệ - Thúc đẩy đổi mới sáng tạo”.
Được sự đồng ý của UBND thành phố, với mục đích giới thiệu, quảng bá, nâng cao nhận thức về vai trò của quyền sở hữu trí tuệ trong việc khuyến khích sự đổi mới sáng tạo cho cộng đồng Thủ đô nói chung, đặc biệt hơn nhằm tôn vinh và khuyến khích tất cả những người phụ nữ tham gia vào đổi mới sáng tạo, hướng tới bình đẳng giới trong hoạt động sở hữu trí tuệ, cùng nhau xây dựng một ngày mai tốt đẹp hơn, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Trường Đại học Thủ đô Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới.
Tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, ngày 22-4, chúng tôi tổ chức chuỗi các hoạt động ngoài trời nhằm đưa sở hữu trí tuệ đến gần với công chúng Thủ đô, đặc biệt quảng bá, nâng cao nhận thức về vai trò của quyền sở hữu trí tuệ trong việc khuyến khích đổi mới sáng tạo, tăng cường sức mạnh, nâng cao vị thế, uy tín và khả năng cạnh tranh của sản phẩm được tạo ra từ đổi mới sáng tạo trong tiến trình hội nhập quốc tế. Hoạt động này cũng nhằm tôn vinh và khuyến khích phụ nữ tham gia vào đổi mới sáng tạo, đặc biệt vào hệ thống sở hữu trí tuệ để hướng tới bình đẳng giới trong hoạt động sở hữu trí tuệ.
Bên cạnh sự kiện ngoài trời, chúng tôi cũng phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức Hội thảo với chủ đề “Phụ nữ với sở hữu trí tuệ - Thúc đẩy đổi mới sáng tạo”. Hội thảo là dịp để học giả trong và ngoài nước cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm cũng như kết quả hoạt động đổi mới sáng tạo của phụ nữ, đặc biệt khuyến khích phụ nữ tham gia nhiều hơn vào hệ thống sở hữu trí tuệ để bảo vệ và gia tăng giá trị cho công việc của họ.
Ngoài ra, chúng tôi phối hợp với một số cơ quan báo chí Hà Nội tuyên truyền hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới; xây dựng phim phóng sự về lĩnh vực sở hữu trí tuệ, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hoạt động sở hữu trí tuệ... Qua đó, nhằm cung cấp những kiến thức cơ bản cho các tổ chức, cá nhân bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm địa phương. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đặc biệt là phụ nữ tìm hiểu và sử dụng hiệu quả công cụ sở hữu trí tuệ để
bảo vệ và gia tăng giá trị cho công việc của mình cũng như bảo đảm được quyền lợi của doanh nghiệp khi đưa các sản phẩm mới ra thị trường.
- Trân trọng cảm ơn ông!