Nâng chất lượng các trung tâm dữ liệu
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 07:03, 22/04/2023
Hai năm qua, các doanh nghiệp công nghệ trong nước liên tiếp khai trương, đưa vào hoạt động trung tâm dữ liệu mới. Đáng chú ý, năm 2022, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) công bố dự án đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam với số vốn lên đến 6.000 tỷ đồng, đặt tại thành phố Hồ Chí Minh. Viettel cũng đồng thời công bố hệ sinh thái Viettel Cloud với quy mô hạ tầng trung tâm dữ liệu hơn 9.000 rack (tủ lắp đặt máy chủ - server). Công ty cổ phần VNG cuối năm 2022 khai trương trung tâm dữ liệu mới ở Khu chế xuất Tân Thuận, thành phố Hồ Chí Minh với 1.600 rack. Tập đoàn CMC đưa vào hoạt động Trung tâm Dữ liệu Tân Thuận tháng 5-2022 với quy mô 1.200 rack. Trong khi đó, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) hiện có 6 trung tâm dữ liệu; Tập đoàn FPT có 4 trung tâm dữ liệu. Các doanh nghiệp này đều có kế hoạch đầu tư thêm các trung tâm dữ liệu mới.
Theo Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Thông tin và Truyền thông), những doanh nghiệp công nghệ, như Viettel, VNPT, CMC… đã lựa chọn áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế tiên tiến để thiết kế, xây dựng, vận hành trung tâm dữ liệu. Một số trung tâm dữ liệu đã có chứng nhận của tổ chức quốc tế uy tín. Ngoài ra doanh nghiệp còn chủ động áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thông tin (SOC, PCI DSS…), tiêu chuẩn phổ biến cho quá trình vận hành (ISO 9001, ISO 50001, ISO 27001…).
Đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ cho hay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 23/2022/TT-BTTTT (có hiệu lực từ ngày 1-2-2023) sửa đổi, bổ sung Thông tư số 03/2013/TT-BTTTT quy định áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với trung tâm dữ liệu. Thông tư số 23/2022/TT-BTTTT đã cập nhật các quy chuẩn kỹ thuật về tiếp đất, chống sét, phòng, chống cháy; đồng thời bổ sung quy định áp dụng những tiêu chuẩn tiên tiến, phổ biến nhất trên thế giới về yêu cầu hạ tầng kỹ thuật của trung tâm dữ liệu (TCVN 9250:2021, TIA-942-B:2017 của ANSI/TIA và tiêu chuẩn Tier của Uptime Institute)…
“Việc ban hành Thông tư số 23/2022/TT-BTTTT là để hoàn thiện các quy định về quản lý hạ tầng kỹ thuật của trung tâm dữ liệu, tăng cường quản lý chất lượng, bảo đảm quyền lợi của khách hàng; đồng thời thúc đẩy phát triển thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam bền vững hướng tới một hạ tầng trung tâm dữ liệu quốc gia hiện đại, đưa nước ta trở thành trung tâm dữ liệu số của khu vực”, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ Đinh Quang Trung thông tin.
Ở góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu - Công ty Viễn thông CMC (Tập đoàn CMC) Lê Minh Hiếu cho biết, việc Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành thông tư mới sửa đổi, bổ sung quy định về trung tâm dữ liệu là rất kịp thời, giúp các doanh nghiệp, trong đó có CMC mạnh dạn đầu tư, nâng cấp và cập nhật các công nghệ mới, chung sức đưa Việt Nam trở thành trung tâm dữ liệu của khu vực. “Năm 2023 là Năm dữ liệu số Việt Nam. CMC đã và đang đầu tư xây dựng hệ sinh thái trung tâm dữ liệu hiện đại với kỳ vọng góp phần đồng bộ, hoàn thiện hạ tầng số quốc gia”, ông Lê Minh Hiếu nói.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tổng doanh thu thị trường điện toán đám mây, trung tâm dữ liệu tại Việt Nam đạt 4.500 tỷ đồng; tuy nhiên, doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm chưa đến 20% thị phần, tương ứng khoảng 900 tỷ đồng, 80% thị phần còn lại nằm trong tay các nhà cung cấp nước ngoài. Mặc dù thị phần chưa cao, nhưng tiềm năng thị trường cũng như nhu cầu chuyển đổi số trong nước đang diễn ra mạnh mẽ, cho thấy dư địa dành cho doanh nghiệp “nội” vẫn còn rất lớn. Ngoài việc nâng cao, bảo đảm chất lượng cung cấp dịch vụ, trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông có các chính sách thúc đẩy sử dụng dịch vụ điện toán đám mây trong nước, để các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội giành lại “miếng bánh” thị phần trong tay những đối thủ nước ngoài.