Vận dụng tư tưởng Lênin, đẩy mạnh xây dựng Đảng và hệ thống chính trị

Chính trị - Ngày đăng : 07:38, 22/04/2023

(HNM) - Trong di sản quý báu mà V.I. Lênin (Vlađimia Ilich Lênin, 1870-1924) - nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận chính trị kiệt xuất, lãnh tụ lỗi lạc của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới để lại cho chúng ta, không thể không nhắc đến lý luận xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đây chính là những nội dung mà Đảng ta đã và đang vận dụng, đạt nhiều kết quả quan trọng thời gian qua.

V.I. Lênin - nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận chính trị kiệt xuất, lãnh tụ lỗi lạc của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới.

1. Với tư cách là lãnh tụ của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga 1917, V.I. Lênin là người đầu tiên vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác vào thực tiễn nước Nga, lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại và lãnh đạo sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực ở nước Nga Xô viết. Tên tuổi vĩ đại của V.I. Lênin gắn liền với những cải biến cách mạng vĩ đại nhất trong xã hội loài người từ đầu thế kỷ XX đến nay.

54 tuổi đời, gần 30 năm hoạt động vì sự nghiệp cao cả, V.I. Lênin đã có những đóng góp vô cùng to lớn cho sự nghiệp cách mạng vô sản thế giới, đấu tranh vì hòa bình, độc lập, tự do của các dân tộc, vì hạnh phúc của con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: “Lênin là người đã thực hiện và phát triển chủ nghĩa Mác. Là người cha của cách mạng vô sản và cách mạng dân tộc giải phóng. Là người thầy đã tạo ra những chiến sĩ cách mạng khắp thế giới, chẳng những bằng lý luận khoa học cách mạng nhất, mà còn bằng đạo đức cách mạng cao cả nhất”.

V.I. Lênin sớm nhận thấy sức mạnh của tổ chức Đảng đối với cách mạng vô sản. Trong tác phẩm “Làm gì”, Người đã viết: “Hãy cho chúng tôi một tổ chức những người cách mạng, và chúng tôi sẽ đảo lộn nước Nga lên”. V.I.Lênin nhấn mạnh: “Muốn trở thành một lực lượng chính trị như thế trước con mắt công chúng thì phải cố gắng rất nhiều và bền bỉ để nâng cao tính tự giác, óc sáng kiến và nghị lực của chúng ta lên, chứ chỉ đem dán cái nhãn hiệu “đội tiên phong” vào lý luận và thực tiễn của đội hậu vệ thì không đủ”. Nói cách khác, đó chính là yêu cầu phải có lực lượng những người cán bộ, đảng viên ngang tầm nhiệm vụ cách mạng, những người cán bộ có đủ tri thức, năng lực và phẩm chất để có thể thực thi những trách nhiệm công tác nặng nề trong tổ chức.

2. Vận dụng tư tưởng của V.I. Lênin, từ khi thành lập đến nay, Đảng ta đặc biệt coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Qua các kỳ đại hội, Đảng ta đã ban hành hàng loạt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định về công tác xây dựng Đảng bảo đảm ngày càng căn cơ, bài bản, khoa học, thực chất, hiệu quả hơn.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định mục tiêu tổng quát là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Cụ thể hóa mục tiêu này, Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đã ban hành Kết luận về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Kết luận đã mở rộng hơn về nội dung và phạm vi; chủ động tiến công mạnh mẽ hơn về tư tưởng chỉ đạo; không chỉ xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả xây dựng hệ thống chính trị. Mục tiêu cũng được xác định cao hơn. Hệ thống nhiệm vụ giải pháp đồng bộ, toàn diện và sắc bén hơn. Các thể chế, thiết chế và xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đầy đủ, chặt chẽ và toàn diện hơn.

Thực hiện kết luận, Trung ương đã triển khai đồng bộ các giải pháp, đồng thời xác định đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không ngừng, không nghỉ ở tất cả các lĩnh vực. Từ đó đến nay, hàng loạt vụ án lớn được điều tra, truy tố, xét xử; cán bộ có chức vụ cao từ cơ quan trung ương xuống địa phương có vi phạm đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng và pháp luật bảo đảm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”... Việc xử lý nghiêm cán bộ trong những vụ án tiêu biểu như liên quan đến Công ty Việt Á, chuyến bay giải cứu, các cơ quan đăng kiểm... vừa qua càng cho thấy quyết tâm của Đảng trong xây dựng tổ chức Đảng và hệ thống chính trị.  

Nhờ đó, bản lĩnh chính trị, trình độ, năng lực lãnh đạo của Đảng ngày càng được nâng lên, luôn vững vàng và có những quyết sách phù hợp để chỉ đạo xử lý kịp thời, hiệu quả trước mọi khó khăn, thách thức đặt ra. Bản chất, lập trường giai cấp công nhân của Đảng được giữ vững; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt và người đứng đầu các cấp từng bước được nâng lên. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Kỷ niệm ngày sinh của V.I. Lênin là dịp để tưởng nhớ công lao, biết ơn vị lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của giai cấp vô sản và nhân dân lao động toàn thế giới; đồng thời nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừnga phấn đấu, quyết tâm với ý chí cao nhất để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với niềm tin yêu, sự kỳ vọng của nhân dân.

Quốc Bình