Sẵn sàng giải pháp ứng phó
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:07, 22/04/2023
Thực tế cho thấy, ảnh hưởng của thiên tai đến đời sống con người, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thường rất khốc liệt. Tuy vậy, trong công tác phòng, chống thiên tai vẫn còn một số hạn chế nhất định. Trong đó phải kể đến là khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng nói chung, cũng như công trình phòng, chống thiên tai nói riêng còn thấp; phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn còn hạn chế và chưa phù hợp. Đáng nói, việc xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai, phương án ứng phó với thiên tai ở một số địa phương chưa cập nhật đầy đủ, toàn diện. Chưa kể, công tác dự báo, cảnh báo sớm lũ quét, mưa lớn cực đoan, dông, lốc, sét trong ngắn hạn còn hạn chế; thông tin cảnh báo sớm về lũ quét, sạt lở đất khi có mưa lớn trong một số trường hợp còn chưa được kịp thời, đầy đủ… Trong khi đó, nguồn lực cho công tác khắc phục hậu quả thiên tai cũng còn thiếu và mới đáp ứng 20-30% nhu cầu thực tế…
Vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay là trong điều kiện tình hình thiên tai có xu hướng diễn biến cực đoan và khó đoán định, dẫn đến hệ lụy khó lường hơn nếu dự báo không tốt. Do vậy, nhiệm vụ quan trọng đối với các cấp, ngành, địa phương là cần chuyển dịch mạnh mẽ từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa; tập trung nguồn lực, nâng cao hơn nữa năng lực, hiệu quả của công tác dự báo, cảnh báo và theo dõi, giám sát thiên tai, để công tác này chính xác hơn, kịp thời hơn.
Cùng với đó, các cấp, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, hiệu lực, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chính sách, pháp luật; tiếp tục rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung bảo đảm đồng bộ, thống nhất các quy định, chương trình về phòng, chống thiên tai, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, đáp ứng thực tiễn và những thay đổi nhanh chóng của tình hình thời tiết. Đồng thời, cần tăng cường năng lực chỉ đạo, chỉ huy điều hành, thực hiện đầy đủ những nhiệm vụ quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong điều kiện thiên tai ngày càng khốc liệt, cực đoan. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần làm tốt hơn nữa công tác thông tin, truyền thông, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng về phòng, chống thiên tai.
Đặc biệt, cần tăng cường nguồn lực cho công tác phòng, chống thiên tai, trong đó bao gồm cả nguồn lực ngoài nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ như bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai, vùng nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét; hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão lụt, công trình công cộng kết hợp làm nơi tránh trú bão, lũ… Mặt khác, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế và ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong phòng, chống thiên tai.
Luôn chủ động và sẵn sàng những giải pháp để phòng, chống thiên tai là yêu cầu đặt ra với tất cả các cấp, ngành, địa phương và mỗi người dân.